Cảnh báo biến chứng khi tự ý xông lá, đắp lá... khi trẻ bị đau mắt đỏ
VOV.VN - Nhiều trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh đã tự ý mua thuốc nhỏ hoặc xông lá cây, đắp lá cây vào mắt trẻ, gây biến chứng, thậm chí gây viêm giác mạc.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ vẫn đang gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... Đây là bệnh không hề mới, thường do virus, chủ yếu là virus Adeno gây ra.
Đau mắt đỏ chỉ kéo dài 5-7 ngày sẽ tự khỏi, tuy nhiên, đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây trong khi chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần biết cách phòng tránh để bệnh không lan thành dịch.
Các bác sĩ khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh đã tự ý mua thuốc nhỏ hoặc xông lá cây, đắp lá cây vào mắt trẻ, gây biến chứng, sưng phù nề mắt, tạo giả mạc, thậm chí có trẻ đã bị viêm giác mạc. Những trường hợp này phải điều trị rất tích cực để tránh ảnh hưởng tới thị lực.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đánh giá, đau mắt đỏ ở trẻ em xảy ra nhiều sau khi học sinh trở lại trường. Với các ca đau mắt đỏ thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi. Bệnh đau mắt đỏ có thể điều trị tại nhà vì đây là bệnh do virus và trẻ có thể tự khỏi trong vòng 5-7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đặc biệt khuyến cáo, không được nhỏ các loại thuốc có Dexamethasone khi chưa có chỉ định của bác sĩ: “Thứ nhất, không được nhỏ các loại thuốc có Dexamethasone khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thứ hai, nếu tình trạng mắt chưa có vấn đề nặng thì sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để nhỏ mắt. Thứ ba, khi thấy mắt có ghèn đục cần thăm khám và có tư vấn của bác sĩ để nhỏ kháng sinh. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc phải tránh dụi mắt, để tình trạng không bị nặng thêm. Với trẻ nhỏ, nên chờ khi trẻ ngủ để nhỏ mắt, tránh việc trẻ sợ, khóc thuốc nhỏ mắt sẽ trôi ra ngoài. Khi vệ sinh mắt nên dùng bông gòn lau ghèn mắt, không dùng khăn mặt lau đi lau lại, có thể gây bội nhiễm”.
Theo báo cáo nhanh thời điểm đầu tháng 9/2023, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã tiếp nhận hơn 71.700 trường hợp viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, đặc tính đợt dịch đau mắt đỏ này là có xuất huyết. Nhiều trường hợp, sau 5-7 ngày, mắt vẫn còn đỏ do xuất huyết và tình trạng này sẽ dần hết trong tuần tiếp theo.
ThS.BS Lê Việt Cường, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cũng lưu ý, đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra thường diễn biến theo 2 giai đoạn và cần ít nhất ngoài 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thấy mắt đỏ lên, có nhiều gỉ mắt và cộm vướng nhiều. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu nhiều.
Sau 2 tuần, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn. Ở giai đoạn mạn, bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ do biến chứng trong giác mạc. Trường hợp nhẹ có thể viêm giác mạc biểu mô, nặng hơn thì viêm giác mạc nhu mô. Lúc này sẽ mất thêm thời gian để điều trị.
“Người bệnh thường có tâm lý khi dùng thuốc theo chỉ định một vài ngày chưa đỡ sẽ đi khám lại mà không hiểu rằng bệnh nhân bị đau mắt đỏ do Adeno virus cần kiên trì điều trị, bởi hiện nay chưa có phương pháp nào giúp triệu chứng giảm nhanh hơn hoặc rút ngắn thời gian diễn biến bệnh”, bác sĩ Cường lưu ý thêm.
Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra và thường gặp ở Việt Nam là tuýp 8. Về bản chất, không dùng các thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân virus. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh với mục đích phòng bội nhiễm, biến chứng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adeno virus chủ yếu sẽ được điều trị triệu chứng. Và mọi loại thuốc sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.