Món ăn nào dễ gây tắc ruột?
VOV.VN - Gần đây, trường hợp bị tắc ruột do thực phẩm được ghi nhận nhiều, khiến mọi người lo lắng. Ăn ít thì không đủ chất xơ, trong khi đó ăn nhiều thì có nguy cơ tắc ruột.
Mới đây, các bác sĩ bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân 70 tuổi trong tình trạng đau bụng từng cơn, bí trung và tiểu tiện, buồn nôn. Anh Trần Văn T. – người nhà của bệnh nhân – cho biết trước đó cụ ông có ăn một ít canh măng. Khả năng do cụ ăn ăn bằng răng giả, nhai không kỹ. Buổi đầu tiên cứ âm ỉ đau bụng, đến 6h tối đau mạnh, đau dữ dội, chướng bụng, đau quằn quại không đứng được, gọi xe ra BV E cấp cứu - anh T. kể lại.
Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện ở ruột bệnh nhân có khối rắn chắc, nghi ngờ tắc ruột do bã thức ăn và đã tiến hành mổ nội soi để lấy khối bã ra ngoài.
Trước đó, Khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn, trong đó có 2 ca điển hình.
Bệnh nhân nam, 91 tuổi, vào viện vì nuốt nghẹn khó, đau rát vùng ngực một ngày sau khi ăn măng. Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật thức ăn thực quản. Kết quả nội soi cắt nhỏ và lấy hoàn toàn khối bã thức ăn lớn (kích thước 8cm có cả tăm cứng) ra khỏi thực quản.
Đặc biệt là bệnh nhân H.T. (63 tuổi, Hòa Bình), bị đầy bụng kém ăn, gầy sụt cân (6kg/3 tháng); không có biểu hiện đau bụng, không buồn nôn, không nôn, không sốt, đại tiện bình thường, không có u cục. Kết quả nội soi thấy có dị vật dạng thức ăn hình khối, đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu.
Qua nội soi, khối được cắt và gắp ra ngoài thành hai mảnh to và ít mảnh nhỏ. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là một miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm. Bệnh nhân cho biết đã ăn măng từ Tết.
Thống kê cho thấy, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tắc ruột do bã thức ăn nếu chậm điều trị, người bệnh sẽ suy kiệt rất nhanh về mặt dinh dưỡng, nạn nhân có thể bị vỡ ruột, hoại tử mô ruột, vùng nhiễm trùng lan rộng ra các bộ phận khác, gây ra sốc nhiễm trùng.
Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là: người già răng rụng (làm giảm sức nhai), người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn (khả năng tiêu hóa thức ăn kém), người ăn hoa quả nhiều chất xơ (măng, mít, cam) hoặc nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm), trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi… Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột..
Tắc ruột do bã thức ăn cũng thường gặp ở một số bệnh nhân mắc bệnh lý về tâm thần, "trẻ em, người lớn bị rối loạn tâm sinh lý người ta ăn tóc, tạo thành những búi tóc ở trong dạ dày và gây nên tắc ruột do tóc trong hội chứng Rapunzel" - BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin.
Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải được phẫu thuật để lấy khối bã. Sau khi điều trị tắc ruột, hệ tiêu hóa của bệnh nhân còn rất yếu, vậy khi tập phục hồi chức năng của ruột, bệnh nhân nên sử dụng thức ăn lỏng rồi đặc dần. Thứ 2 là thức ăn dễ tiêu, thực phẩm đã được say, nghiền hoặc là đã được ninh hầm nhừ giúp cho quá trình hấp thu tốt hơn.
Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, BS Dương Trọng Hiền lưu ý cách ăn uống: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ… nhai kỹ khi ăn – đặc biệt là người già; không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (như nhãn, vải, táo) mà nuốt luôn cả hột.
Ngoài ra, khi ăn rau nên nhớ ăn thêm các loại rau có độ nhớt (rau đay, mùng tơi, đậu bắp…) vì những loại này có chất xơ hòa tan với nước, dễ thấm hút nước chống táo bón. Khi ăn trái cây có nhiều chất chát không nên ăn quá nhiều, không ăn lúc đói và không ăn chung với thức ăn có nhiều đạm.
Uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...