Nổi mề đay, kiêng ăn gì?
VOV.VN - Một số chất, thực phẩm có thể khiến cho bệnh mề đay thêm trầm trọng. Nổi mề đay có thể tự khỏi trong vòng 24 giờ mà không cần điều trị y tế.
Tuy nhiên, đó là với điều kiện người bị mề đay biết nên kiêng gì. Để hạn chế bệnh nặng hơn gây khó khăn cho việc điều trị, hãy tham khảo một số điều mà người bệnh mề đay nên kiêng.
Những thực phẩm dễ gây dị ứng
Lạc: Các protein dự trữ có trong củ lạc (nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây sau này) là thủ phạm có thể gây dị ứng.
Thịt bò, sữa bò: Casein và protein huyết thanh là loại protein trong thịt bò và sữa bò dễ gây phản ứng dị ứng.
Hải sản là nhóm thực phẩm khiến nhiều người gặp phải tình trạng dị ứng mẫn cảm nhất, một số loại thực phẩm như tôm, các loại cá, cua, ghẹ, mực... Khi bị dị ứng hải sản không chỉ biểu hiện nổi mề đay ngứa ra bên ngoài mà chúng còn gây dị ứng bên trong đường tiêu hóa, gây phản ứng toàn thân có thể gây sốc phản vệ và vô cùng nguy hiểm.
Kiêng thực phẩm cay nóng và chất kích thích: Để giảm các triệu chứng mề đay nên tránh ớt, tiêu, gừng, món ăn quá cay. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giảm đường, muối trong chế độ ăn uống. Tuyệt đối tránh xa các chất kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu.... Không nên tiếp xúc với nước quá nóng. Khi bị nổi mề đay nên kiêng gió hoặc khi thời tiết thay đổi, không nên lạm dụng thuốc điều trị.
Người bị bệnh nổi mề đay nên ăn gì?
Nếu 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây nổi mề đay là do thực phẩm thì việc điều trị bệnh mề đay cũng nhờ thực phẩm. Trong thời gian bị nổi mề đay, sức đề kháng của người bệnh đang yếu, cần bổ sung các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng để loại bỏ bệnh một cách hiệu quả nhất.
Rượu vang đỏ: Rượu vang đỏ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, duy trì sự cân bằng để đường ruột được khỏe mạnh. Bên cạnh đó trong rượu vang có chứa chất quercetin có tác dụng chống oxy hóa tự nhiên, làm ngăn chặn quá trình sản xuất histamin, giúp cơ thể chống lại tình trạng dị ứng, mề đay.
Hành tỏi: Tỏi được sử dụng như một loại kháng sinh thiên nhiên, có tác dụng ngăn chặn một số enzyme tạo ra hợp chất gây viêm. Do đó, nó được dùng để điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra, được xem như một dược phẩm có hiệu quả toàn diện với hệ thống miễn dịch. Ngoài ra tỏi còn có tính chất diệt khuẩn và vi khuẩn mạnh, thích hợp dùng cho người bị dị ứng, nổi mề đay.
Bưởi: Khi bị nổi mề đay, cơ thể cần được tăng sức đề kháng ngay kịp lúc. Bưởi có tính thanh nhiệt, hàm lượng vitamin C và A trong quả bưởi dồi dào, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Hạt lanh, quả óc chó: Hạt lanh có chứa nhiều omega-3, một chất béo không bão hòa giúp chống viêm và cân bằng cholesterol trong mức kiểm soát. Quả óc chó sẽ giúp bạn ngăn ngừa các bệnh vẩy nến, hen suyễn, chống viêm nhiễm, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể lên cao
Trà xanh: Theo nghiên cứu trong trà xanh có chứa hàm lượng cao chất flavonoid - một hợp chất có ích khi chống lại vi rút, ngăn ngừa viêm nhiễm, cải thiện tình trạng dị ứng
Nghệ: Một khi gan bị tổn thương thì tình trạng nổi mề đay xảy ra cũng nhiều hơn. Theo các nghiên cứu, nghệ có tác dụng thanh lọc gan, làm trẻ hóa các tế bào gan, trẻ hóa các tế bào gan, loại bỏ các độc tố giúp bảo vệ gan và phòng chống các bệnh về gan.
Hạt hướng dương: Hạt hướng dương rất giàu vitamin E - chất chống oxy giúp ngăn chặn các gốc tự do trong quá trình cholesterol bị oxy hóa, bảo vệ da không bị tổn hại do tia cực tím gây ra, ngừa được tình trạng thời tiết quá nóng sẽ gây dị ứng, mề đay.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong 20-28% dân số cả nước mắc các chứng dị ứng mề đay, thì trong đó khoảng 54% là dị ứng thực phẩm. Người bị bệnh mề đay nói chung và mề đay mạn tính nói riêng cần có những nguyên tắc ăn uống hợp lý như sau: Tránh các thực phẩm đã từng bị dị ứng. Không ăn những thực phẩm khó dung nạp: sẽ gặp phải các vấn đề như: đầy hơi, nhức đầu, ho, mệt mỏi, đau bụng, nổi mề đay,... Bên cạnh đó người bệnh mề đay cũng cần tuân thủ chế độ sau: Trong giai đoạn nổi mề đay cấp tính cần giảm đường trong chế độ ăn vì đường trong máu cao sẽ gây ra hiện tượng dị ứng. Giảm muối vì lượng muối nhiều sẽ gây kích thích thần kinh ngoại biên./.