"Phẫu thuật là vũ khí chính để chống lại ung thư phổi"
VOV.VN - Theo chuyên gia, tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật được trong tổng số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh rất thấp, chỉ chiếm 20-30%, còn lại đa phần đến viện khi đã ở giai đoạn quá muộn, không còn chỉ định phẫu thuật.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ phổi. Bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm và tiên lượng khá dè dặt. Tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, khả năng đáp ứng với điều trị, sức khỏe tổng quát của người bệnh, các bệnh lý khác… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc điều trị hiện có những phương pháp mới, đạt bước tiến vượt bậc cả về nội khoa và ngoại khoa mang lại cơ hội sống và phục hồi tốt hơn cho người bệnh.
Theo TS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị ung thư phổi, có thể kể đến: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, gen trị liệu và liệu pháp miễn dịch. Trong đó phương pháp phẫu thuật là vũ khí chính để chống lại ung thư phổi. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đó là tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật được trong tổng số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh rất thấp, chỉ chiếm 20-30%, còn lại đa phần đến viện khi đã ở giai đoạn quá muộn, không còn chỉ định phẫu thuật.
“Trước đây, phẫu thuật được tiến hành bằng phương pháp mổ mở, sử dụng đường rạch dài 20-30cm. Tuy nhiên, hiện nay các phương pháp đã được cải tiến rất nhiều. Với phương pháp nội soi hiện nay giúp bệnh nhân đỡ đau hơn và hồi phục nhanh hơn"- TS.BS Ngô Gia Khánh cho biết.
Tỷ lệ hồi phục sau phẫu thuật ung thư phổi cũng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, được phẫu thuật và sau đó có các phương pháp điều trị phối hợp hiệu quả thì tỷ lệ thành công cao.
“Nếu ở giai đoạn 1, khối u mới khu trú ở phổi thì tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm chiếm đến 80-85%. Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhân nữ ở Nam Định 28 tuổi đến với chúng tôi và được phẫu thuật 6 năm vẫn sống khỏe mạnh và sinh thêm 1 em bé”. TS.BS Ngô Gia Khánh chia sẻ.
Ung thư phổi chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, khối u mới khu trú ở phổi. Giai đoạn 2, khối u có di căn hạch ở gần. Giai đoạn 3, khối u di căn hạch ở xa. Giai đoạn 4, khối u di căn ở các cơ quan khác. Chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân trong bệnh nhân ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1 và 2. Theo BS Ngô Gia Khánh, đối với bệnh nhân ung thư phổi, điều đầu tiên cần phải lưu ý đó là tâm lý sẵn sàng đối mặt với bệnh tật và phối hợp với bác sĩ để tuân thủ các phác đồ điều trị. Bên cạnh đó người bệnh cần có chế độ ăn uống, tập luyện để tăng sức đề kháng để có thể hồi phục sau phẫu thuật.
“Nguyên nhân chính xác gây ung thư phổi hiện chưa thể xác định rõ ràng. Song nguyên nhân hàng đầu được nói đến đó là hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động. Bên cạnh đó, việc người dân tiếp xúc với các hóa chất độc hại, hoặc vùng có nhiều nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm môi trường cũng khiến gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Gần đây người ta phát hiện ra rằng, có đến 50% bệnh nhân ung thư phổi có gen làm cho bệnh nhân dễ mẫn cảm với ung thư, nếu tiếp xúc với yếu tố ung thư thì các tế bào ung thư nhân lên nhiều lần”. TS.BS Ngô Gia Khánh cho hay.
Để ung thư phổi không còn là án tử, TS.BS Ngô Gia Khánh khuyến cáo: “Người bệnh luôn phải giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào phác đồ điều trị. Tuyệt đối không nên tin theo các phương pháp chưa được kiểm chứng. Người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ đề tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân không nên có tâm lý ngại đến bệnh viện. Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, người bệnh có thể liên hệ trước với cơ sở y tế thông qua điện thoại, Fanpage của các bệnh viện, khoa phòng để đăng ký và được được tư vấn cụ thể”./.