Sai lầm khi dùng phương pháp dân gian để chữa rôm sảy cho trẻ
VOV.VN - “Khi thăm khám cho trẻ, chúng tôi thường tư vấn cho cha mẹ nên hạn chế tối đa và tránh dùng các phương pháp dân gian. Khi phát hiện da trẻ có dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám và tư vấn”, Ths.BS Lê Thị Hoài Thu cho biết.
Sai lầm khi dùng phương pháp dân gian
Bé Nguyễn Hải Đ. (5 tuổi, ở Hải Phòng), do bị rôm sảy sẩn ngứa bị bội nhiễm, chảy mủ điều trị ở nhà mãi không khỏi đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám thì phải nhập viện. Do cánh tay và chân bị nhiễm trùng nặng khiến bé Đ. ngứa ngáy, khó chịu, bác sĩ phải băng gạc để tránh gãi và giúp nhanh khỏi.
Chị N. - mẹ bé Đ. cho biết, mới đầu thấy con bị rôm sảy, mẩn ngứa vài vết ở tay chị cho con tắm lá chè tươi, mướp đắng. Sau đó các vết ngứa gãi thành sẹo, lở loét, chị ra hiệu thuốc mua kem chống sẹo và rửa cồn chỗ lở loét, nhưng mãi không khỏi và ngày càng lan rộng, chảy mủ.
“Con nằm viện, uống và bôi kháng sinh gần 1 tuần rồi mà chưa được xuất viện nên tôi rất lo lắng và sốt ruột. Khi biết con bị nhiễm trùng da do dùng thuốc sai cách tôi rất ân hận”, chị N. cho hay.
Là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho bé Đ., Ths.BS Lê Thị Hoài Thu, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bé vào viện đa phần do cha mẹ vệ sinh da sai cách.
“Hiện nay, nhiều mẹ còn quan niệm khi con bị rôm sảy thì có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tự tắm bằng các loại lá, bôi phấn rôm… Thực thế cho thấy, không chỉ rôm sảy mà hầu hết các bệnh ngoài da các mẹ toàn mắc sai lầm khi cho trẻ tắm muối, tắm chanh, tắm lá. Họ cho rằng đây là kinh nghiệm dân gian mà không biết những thứ lá đó cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn như nấm mốc và các loại vi sinh vật khác làm cho da trẻ càng bị khô, càng bị bội nhiễm, dễ nhiễm trùng hơn. Cha mẹ không nên dùng sản phẩm như phấn rôm và các loại kem dưỡng da không phù hợp sẽ càng gây bít tắc lỗ chân lông, càng bội nhiễm nặng hơn”, bác sĩ Hoài Thu nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Thu: Khi thăm khám cho trẻ chúng tôi thường tư vấn cho cha mẹ nên hạn chế tối đa và tránh dùng các phương pháp dân gian. Việc bổ sung dinh dưỡng và hạn chế táo bón giúp cơ thể trao đổi chất được tốt hơn, sức đề kháng của cơ thể sẽ tốt hơn, giúp giảm tình trạng rôm sảy và mụn nhọt cho trẻ. Khi phát hiện da trẻ có dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám và tư vấn”.
Nguyên nhân gây bệnh rôm sảy là gì?
Rôm sảy là tình trạng viêm da do bít tắc ống dẫn tuyến mồ hôi ra da khiến làn da sẩn đỏ, ngứa ngáy và khó chịu. Việc chà sát, gãi nhiều làm cho da bị trầy xước gây nhiễm trùng thứ phát.
Theo Ths.BS Lê Thị Hoài Thu, thời tiết nắng nóng khiến tình trạng tăng tiết mồ hồi quá mức, đặc biệt với trẻ nhỏ, khi tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn thiện sẽ khiến lỗ chân lông bít tắc, dẫn đến rôm sảy.
Rôm sảy được chia thành các hình thái dựa vào độ sâu của các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, trong đó có rôm sảy dạng sẩn đỏ thường gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra còn hình thái rôm sảy dạng tinh thể hay gặp ở trẻ nhỏ sơ sinh, nhất là trẻ dưới 1 tuần tuổi. Thể này đặc trưng bởi những mụn nước, bóng nước dễ vỡ.
Khi nhiệt độ cao kích thích cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, tuyến mồ hôi hoạt động quá mức, nếu cha mẹ cho trẻ mặc nhiều quần áo hoặc ấp ủ quá nhiều, trẻ nằm lồng ấp, nằm lâu trên giường hoặc bị sốt cao thì khi đấy tuyến mồ hôi ở trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh dễ xảy ra tình trạng rôm sảy. Ngoài ra, những trẻ hiếu động hoặc hoạt động quá mức dưới trời nắng nóng, mặc quần áo chật thường nhiều mồ hôi, đặc biệt ở vùng nách, bẹn, nếp gấp, lưng... cũng dễ bị rôm sảy.
“Khi bị rôm sảy sẽ ngứa ngáy, khó chịu, trẻ gãi nhiều sẽ làm cho da bị trầy xước. Nếu không biết cách vệ sinh da sạch sẽ dễ gây nhiễm trùng da thứ phát, mụn nhọt. Khi mồ hôi ra nhiều, trẻ sẽ cào gãi nhiều dễ gây biến chứng, tạo thành các ổ áp xe gây nhiễm trùng. Đã có những trẻ nhiễm trùng nặng phải dùng kháng sinh toàn thân bằng đường uống và bôi tại chỗ mới ổn định được”, Ths.BS Lê Thị Hoài Thu chia sẻ.
Nhận biết tình trạng rôm sảy ở trẻ
Bác sĩ Hoài Thu cũng khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng cha mẹ cần hạn chế các yếu tố nguy cơ làm cho rôm sảy nặng lên như tránh để trẻ tiếp xúc với nơi có nhiệt độ cao, vệ sinh da sạch sẽ, hoặc phòng tránh những biến chứng từ rôm sảy như mụn nhọt, nhiễm trùng thì cần đến sự chăm sóc của các chuyên gia da liễu. Tùy từng trường hợp bệnh, sẽ được tư vấn cho trẻ tắm gội bằng loại xà phòng, sữa tắm không chứa chất gây kích ứng mà là chất giảm viêm đặc trị phù hợp, giúp cho da trẻ dịu mát, dễ ngủ.
Theo các chuyên gia, trong hầu hết các trường hợp rôm sảy sẽ tự hết trong một vài ngày nếu mức độ nhẹ được chăm sóc vệ sinh và dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám, trên nền da mẩn đỏ, nhiễm khuẩn thành các mụn mủ hay nhọt trên da, trẻ ngứa, quấy khóc, bứt rứt và ảnh hưởng đến giấc ngủ… cha mẹ nên đưa con đi khám để được tư vấn điều trị phù hợp.
Ths.BS Lê Thị Hoài Thu cũng lưu ý để phòng tránh rôm sảy nên cho trẻ mặc quần áo bằng vải mềm, nhẹ, thấm, thoáng mát; Tránh mặc quá nhiều, quá chật, ủ bé quá kỹ. Khi thời tiết quá nóng cần tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, có thể dùng quạt thông gió, máy điều hòa nhiệt độ. Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ, thoáng khí. Tắm hằng ngày bằng sữa tắm không gây kích ứng da để loại bỏ các chất bẩn trên bề mặt da. Không nên bôi nhiều kem hay các loại phấn lên da trẻ vì sẽ gây bít các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm nhiều hơn.
Khi trẻ mắc rôm sảy cha mẹ nên cắt móng tay móng chân, mặc đồ thoáng và giữ gìn da sạch sẽ; không nặn cạy, không làm vỡ các mụn gây nhiễm trùng lan tỏa. Không tự ý mua thuốc, sử dụng các tinh dầu, đắp lá… lên da trẻ dễ gây kích ứng da thêm. Bổ sung dinh dưỡng bằng cách tăng cường thực phẩm tốt cho da như khoáng chất, vitamin trong rau củ quả; Hạn chế đồ ngọt hoặc có cồn để tránh tình trạng táo bón.