Na Chi Lăng: Quả ngọt miền biên viễn
VOV.VN - Vùng núi đá của Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng với sản phẩm na với tổng diện tích hiện có trên 2.200 ha. Giá trị kinh tế thu về từ cây na năm nay của huyện ước đạt trên 700 tỷ đồng, đảm bảo đời sống cho gần 4.000 hộ dân trên địa bàn.
Địa phương đang tích cực quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm Na Chi Lăng thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại để góp phần đưa loại quả đăc sản này đến nhiều thị trường trong nước và thế giới.
Cây na tại Chi Lăng được đồng bào dân tộc Tày, Nùng trồng trên những sườn núi đá vôi cao gần 800m hay trong thung lũng. Na Chi Lăng có những đặc trưng riêng biệt như mẫu mã đẹp, mắt to, vị ngọt thanh mát, cùi dày, ít hạt, có hàm lượng và giá trị dinh dưỡng cao... Nhưng có lẽ ít ai biết rằng na Chi Lăng ngọt và thơm hơn những vùng khác của tỉnh Lạng Sơn không chỉ bởi được trồng trong điều kiện khí hậu và địa hình đặc thù mà còn là nỗ lực vượt khó của người Tày, người Nùng sinh sống bao đời nay trên vùng núi đá vôi.
Ông Mã Văn Lết, chủ vườn na mẫu tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng vừa đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động nhằm nâng cao năng suất và chất lượng quả na, cho biết: “Nhờ đầu tư hệ thống tưới thông minh nên đã hỗ trợ giúp gia đình rất thuận lợi về chăm sóc trong vấn đề bón phân, không cần mưa nhiều chỉ cần ẩm đất thôi. Trong thời đại 4.0 hiện nay, quả na của gia đình được quảng bá rất nhiều, lại là na Vietgap nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ hơn. Mùa na năm nay cơ bản đầu mùa sâu bệnh rất nhiều, chúng tôi tưới tiêu, phun để hạn chế sâu bệnh. Đến nay đã cơ bản tiêu thụ trên 30% sản lượng trong vườn, cho nên giá na vụ mùa năm nay kinh tế chắc chắn sẽ đạt hơn so với mọi năm”.
Na Chi Lăng đang vào vụ thu hoạch nên không khí tại các chợ đầu mối buôn bán loại quả này luôn tấp nập. Giá na hiện được các thương lái thu mua từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, loại quả đẹp có thể lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao hơn vụ na năm ngoái khoảng 20%.
Thoăn thoắt xếp từng quả na vào thùng xốp cho kịp chuyến xe, anh Trịnh Quốc Huy, thương lái đã thu mua na Chi Lằng được gần 20 năm nay cho hay: “Nếu nói về nông sản Việt Nam thì quả na là 1 trong những quả rất ngon. Người dân Việt Nam đều thích ăn hoa quả sạch mà na Lạng Sơn lại có chất lượng ngon nhất, đứng đầu. Do đặc thù vùng miền đây là na núi đá tự nhiên nên quả na ngon hơn. Cũng là na chín nhưng na này có thể để 1-2 ngày mà không bị xuống mã”.
Na được mùa, được giá không chỉ giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu. Năng suất vụ na năm nay khoảng 105 tạ/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 39.000 tấn, và nếu giá na ổn định thì tổng doanh thu từ na của tỉnh Lạng Sơn có thể từ 1.200 – 1.400 tỷ đồng.
Anh Lăng Văn Thức, Bí thư Đoàn thanh niên xã Chi Lăng cho biết: “Đoàn thanh niên xã đã có sự phối hợp với hội nông dân đã tổ chức tập huấn tại nhà văn hóa, tuyên truyền cách bẫy bả ruồi vàng, hướng dẫn bà con cách cắt tỉa, chăm sóc, bón phân. Giới thiệu cho bà con những giống na to và phân bón tốt để cây na đảm bảo sinh trưởng tốt. Chúng tôi cũng tuyên truyền quảng bá, bán hàng na trên không gian mạng như Zalo, Facebook, Vỏ sò… giúp na được phân phối đi nhiều nơi”.
Mùa na năm nay, huyện Chi Lăng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại như Chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng"; "Tuần lễ quảng bá na, nông sản đặc sản Lạng Sơn năm 2023 tại Hà Nội"... UBND huyện Chi Lăng cũng tổ chức bán đấu giá na trực tuyến với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, KOL, tiktoker… để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn.
Đây là chuỗi các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp, từ đó hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Ngoài những thành công đã đạt được đối với thị trường trong nước, na Chi Lăng đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
“Quả na Chi Lăng đến nay vẫn chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Để xuất khẩu 1 sản phẩm nông nghiệp chính thức hiện phải đàm phán mất nhiều thời gian. Chúng tôi đang rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng tiếp tục đàm phán để có thể xuất khẩu. Chúng tôi cũng mong sẽ xuất khẩu sang được nhiều thị trường nhưng đối với mặt hàng na phương thức vận chuyển, thời gian bảo quản rất ngắn… cho nên nếu đi các thị trường xa chắc chắn sẽ rất khó khăn” - ông Phùng Văn Nghĩa nói.
Với thương hiệu riêng đã được gây dựng trong suốt nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực tuyên truyền, phổ biến bà con nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng quy trình chăm sóc cây na để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế với mục tiêu vươn ra “biển lớn”, thúc đẩy xuất khẩu na Chi Lăng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ.