“Vệ sinh giấc ngủ” là gì?
VOV.VN - Mất ngủ là sự suy giảm số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, đây là 1 triệu chứng hay gặp ở thời kỳ sau khi mắc COVID-19.
Theo Viện Sức khoẻ Tâm thần (BV Bạch Mai), số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị rối loạn giấc ngủ tại đây so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19 đã tăng 700%. Người bệnh có triệu chứng rối loạn và có phàn nàn về giấc ngủ sau khi mắc COVID-19 đều rất lo lắng và liên quan đến các biểu hiện của rối loạn cảm xúc.
TS. Nguyễn Văn Dũng, Viện Phó Viện Sức khoẻ Tâm thần thông tin cụ thể: “Khi các triệu chứng làm gián đoạn sinh hoạt đời thường thì được gọi là rối loạn giấc ngủ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã có những tiêu chuẩn mở rộng hơn khi chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, theo đó, bao gồm những phàn nàn về giấc ngủ. Tại BV Bạch Mai, trong thời gian vừa qua tỷ lệ bệnh nhân tới khám và điều trị rối loạn giấc ngủ đã tăng 700% so với thời kỳ trước COVID-19. Người bệnh chủ yếu phàn nàn về rối loạn giấc ngủ sau COVID-19”.
Các nghiên cứu năm 2021 tại Anh và Mỹ cũng cho thấy, mất ngủ là 1 trong 14 hậu quả thường gặp của người có các vấn đề tâm thần, thần kinh sau khi mắc COVID-19. Thuật ngữ “Coronasomia” hay “COVID-somnia” lần đầu tiên được xuất hiện trong từ điển, được đề xuất để bao gồm nhóm các triệu chứng của rối loạn chức năng giấc ngủ như mất ngủ, giấc ngủ liên tục bị gián đoạn, thay đổi chu kỳ ngủ-thức, giấc ngủ không hồi phục và giảm chất lượng giấc ngủ phát sinh do căng thẳng liên quan đến nỗi sợ hãi về bản thân virus hoặc tác động tâm lý xã hội đối với cuộc sống hàng ngày.
Các nghiên cứu chỉ ra cơ chế gây tình trạng rối loạn giấc ngủ sau nhiễm COVID-19 nói chung là do tình trạng viêm thần kinh và sự gián đoạn của hàng rào máu não. Trong đó, các cytokine đóng vai trò chủ đạo trong việc phá vỡ hàng rào máu não gây tổn thương viêm hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh.
“Mối liên quan giữa giấc ngủ và nhiễm SARS-CoV-2 là hai chiều. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh miễn dịch tế bào cũng như dịch thể và thiếu ngủ có thể làm giảm phản ứng miễn dịch càng làm trầm trọng hơn triệu chứng COVID-19” - các nghiên cứu nêu rõ.
TS. Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên phòng, chống rối loạn giấc ngủ là mở rộng kiến thức cho người dân về “vệ sinh giấc ngủ” và nâng cao thể trạng để đề phòng biến chứng, các triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Đồng thời, người dân phải đi khám và điều trị ngay lập tức để tránh hiện tượng sử dụng các loại thuốc không đúng chuyên khoa, khiến tình trạng trầm trọng hơn: “Vệ sinh giấc ngủ” là phải có kiến thức về giấc ngủ, là chế độ dinh dưỡng về giấc ngủ và hiểu biết về giấc ngủ, cũng như việc đánh giá về tình trạng giấc ngủ của mỗi người”.
Cũng theo Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà, Viện Sức khoẻ Tâm thần (BV Bạch Mai), “vệ sinh giấc ngủ” là đảm bảo môi trường ngủ thoái mái, an toàn, với mọi điều kiện cần thiết để người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ và đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Điều đầu tiên phải quan tâm là môi trường ngủ là phòng ngủ, đệm, gối và trang phục thoải mái đảm bảo lưu thông khí huyết.
Điều thứ hai là căn phòng chỉ để ngủ, có nghĩa là càng giản tiện các thiết bị, đồ dùng và đồ điện tử càng tốt. Theo đó, việc xem điện thoại hay tivi đều không tốt cho chúng ta khi đi vào giấc ngủ. Điều kiện tiếp theo là tiếng ồn và phải đảm bảo yên tĩnh, ngoại trừ “tiếng ồn trắng” là nghe nhạc nhẹ, còn các âm thanh khác đều ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ. Nhiệt độ, không khí, cây xanh hay mùi hương cũng là môi trường tốt để đi vào giấc ngủ.
“Trước khi đi ngủ, chúng ta có thể thực hiện các bài tập thư giãn và giảm dần các hoạt động chức năng của cơ thể. Bạn có thể nghe nhạc nhẹ hay đọc sách bằng đèn ánh sáng đỏ. Ngoài ra bạn có thể ngâm chân nước ấm hoặc dược liệu… Việc thiết lập thời gian ngủ cũng rất cần thiết để tạo nhịp sinh học. Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, café… khoảng 6 giờ trước khi đi ngủ, hay không ăn quá no, ăn nhiều dầu mỡ, vận động mạnh, tránh suy nghĩ quá nhiều…”, Ths. Nguyễn Thanh Hà nói./.