WHO đánh giá cao năng lực nghiên cứu test kit và vaccine của Việt Nam

VOV.VN - WHO và Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chia sẻ trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã qua gần 80 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các biện pháp ứng phó của Việt Nam đã phát huy hiệu quả mang lại thành công trong chống dịch, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tổ chức quốc tế vẫn đưa ra những khuyến nghị trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột. (Ảnh: BSCC)

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để công chúng sẵn sàng ứng phó với làn sóng mới… Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, trên thế giới có hơn 150 “ứng viên vaccine” Covid-19 được nghiên cứu. Trong đó, có 13 loại đã đi vào thử nghiệm lâm sàng. WHO hy vọng trong vài tuần tới sẽ có 2-3 ứng viên vaccine nặng ký nhất sẽ đưa vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

TS Kidong Park nhấn mạnh, vaccine do Việt Nam nghiên cứu cũng nằm trong số 150 ứng viên vaccine trên thế giới. Điều này cho thấy năng lực nghiên cứu rất tốt của Việt Nam.

“Tôi chúc mừng Việt Nam vì trong một thời gian rất ngắn các bạn đã có thể nghiên cứu và sản xuất các test kit và sinh phẩm phục vụ cho chẩn đoán Covid-19. Tuy nhiên, mỗi loại test kit đều có điểm mạnh và hạn chế. Trong trường hợp test kit đó khả quan, WHO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để test kit đó được sử dụng phổ biến trên toàn cầu. Tôi cũng muốn mời Việt Nam tham gia vào nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine chung toàn cầu”, ông Kidong Park nói.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trao đổi với phóng viên VOV.

WHO mong muốn bất cứ vaccine nào khi được phát, thử nghiệm thành công sẽ được sản xuất và tiếp cận rộng rãi, bình đẳng không kể do quốc gia nào phát triển hay công ty nào sản xuất. Tất cả những người cần vaccine sẽ được cung cấp theo nhu cầu. Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vaccine, Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19. Hiện, vaccine đã được thử nghiệm trên chuột, với chất lượng đạt được khá tốt. Thời gian tới, vaccine sẽ tiếp tục thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó trên người…

Với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và xuất khẩu máy thở 100% made in Vietnam tới nhiều nước... “Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine và mong muốn tiếp tục được WHO, cùng các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tại cuộc họp chiều 30/6 với WHO và một số tổ chức quốc tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch Covid-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong phòng, chống dịch bệnh.

Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (test kit). Trong số này có những loại test kit rất tốt, độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới, đặc biệt công nghệ xét nghiệm đơn giản mà nhiều nước không có. Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 mong muốn, WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên