Lãnh đạo thi trượt chuyên viên chính: Đoạn trường ai trải mới hay!
VOV.VN -Đề thi, cách thi chuyên viên chính không phù hợp với yêu cầu công việc, không góp phần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức.
Kết quả kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên lên chuyên viên chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2019 có tới 38 cán bộ, công chức thi trượt.
Thông tin này khiến nhiều người tin rằng đây là kết quả trung thực nhất về kỳ thi. Tuy nhiên, điều đó không nói lên năng lực, trình độ của các cán bộ, công chức bị trượt trong kỳ thi này. Bởi, thực tế, nhiều người đã từng tham dự kỳ thi này cho rằng, việc thi thố không đánh giá, xếp hạng được năng lực cán bộ; giữa làm việc thực tế và thi cử nhiều khi cách xa nhau “vạn dặm”; có những người thi vào những nội dung không phục vụ cho bất kỳ công việc nào của họ. Đơn cử, thời đại công nghiệp 4.0 rồi nhưng cán bộ, công chức vẫn phải làm những bài thi tin học văn phòng, soạn thảo văn bản…
Ảnh minh họa |
Những kỳ thi kiểu như vậy vừa tốn kém, vừa vô bổ nhưng nhiều người vẫn phải lao vào thi, xếp hàng đợi thi, có người phải cậy nhờ quen biết can thiệp để được thi… Sao lại phải đi thi? Đi thi để làm gì? Câu trả lời đơn giản là các tiêu chí, tiêu chuẩn về bổ nhiệm lãnh đạo hiện nay đều yêu cầu phải là chuyên viên chính; nhiều người xếp lương hết ngạch cũng phải thi chuyển ngạch nếu không sẽ rất thiệt thòi… Việc đi thi chỉ là để hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ.
Rất chia sẻ với những người thi trượt, bởi chắc chắn họ phải chịu nhiều điều tiếng, áp lực ở địa phương, cơ quan; thậm chí có địa phương đưa ra khỏi qui hoạch những cán bộ không thi đạt chuyên viên chính… Cho nên, rất nhiều người đã phải “sống – chết” thi cho đỗ và thi cử có lẽ đã trở thành một mảnh đất màu mỡ để kiếm chác. Còn mục đích của chủ trương tìm được người tài để phục vụ hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước phần nào đã thất bại.
Thực tế, nhiều người đã thi qua chuyên viên chính, rồi lên đến chuyên viên cao cấp nhưng trình độ, năng lực chuyên môn lại không có gì thay đổi, chất lượng công việc thì “vẫn y nguyên”. Về nguyên tắc, nếu là chuyên viên chính thì yêu cầu công việc phải cao hơn, nặng nề hơn chuyên viên thế nhưng nhiều đơn vị lại không có thước đo cụ thể, chính xác về vấn đề này, nên nhiều khi đến tuổi, đến năm, đủ tiêu chuẩn thì đi thi chuyên viên chính chứ không phải người đó có năng lực vượt trội hơn đồng nghiệp mà được đi thi.
Bây giờ tiêu chí, tiêu chuẩn thi chuyên viên chính, nâng ngạch đã cao và khắt khe hơn trước nhưng ở từng đơn vị, cơ quan lại không xây dựng được vị trí việc làm nên nhiều khi chuyên viên chính lại đảm nhiệm những việc đơn giản hơn chuyên viên, thậm chí hiệu quả công việc còn không bằng chuyên viên.
Vẫn biết việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là cần thiết nhưng nếu cách làm và hiệu quả không đạt chúng ta cần mạnh dạn gạt bỏ và thay đổi. Nếu còn duy trì hình thức thi cử như hiện nay thì việc ra đề thi, tổ chức thi phải thực sự thiết thực, hiệu quả, đừng để những cán bộ, công chức phải tham gia một kỳ thi không phục vụ gì nhiều cho công việc mà lại gây căng thẳng và áp lực vô cùng./. Nâng lương trước hạn cho những đối tượng cán bộ, công chức nào?
Điều kiện chuyên viên chính cản trở cán bộ trẻ được bổ nhiệm