Gần 9.000 lao động ở Thái Nguyên chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19

VOV.VN - Hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có gần 9.000 lao động bị mất việc, dãn việc vì Covid-19.

Hiện ở Thái Nguyên có khoảng 5.000 doanh nghiệp, 16.000 hộ kinh doanh đang nộp thuế. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có gần 9.000 lao động bị mất việc, dãn việc vì Covid-19.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thái Nguyên hàng năm mang lại nguồn thu trên 4.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, trong quý 1 năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các đơn vị sản xuất hàng may mặc.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực may mặc chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì Covid-19.

Công ty Cổ phần May xuất khẩu Sil-Han chuyên may hàng gia công xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia ở khu vực Châu Âu, hiện hầu hết các đơn hàng đều bị hủy, nguyên phụ liệu không nhập được, nên chỉ hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng này, doanh nghiệp mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng theo nội dung Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Muôn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may xuất khẩu Sil-Han cho biết, doanh nghiệp cũng đã được hỗ trợ từ bảo hiểm, thuế, ngân hàng, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.  

"Mong được nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này, hiện hai tháng nay đã chậm lương công nhân. Ngân hàng cũng đã giảm lãi vay xuống 0,03 nhưng doanh nghiệp không vay thêm được nữa", bà Muôn cho hay.

Doanh nghiệp đã khó khăn thì người lao động lại càng khó khăn hơn, chị Bùi Thị Sinh, công nhân tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Sil-Han cho biết: Trước kia thu nhập 5 triệu đồng/tháng, hiện giờ chỉ được 3 triệu đồng/ tháng, nhưng hai tháng nay vẫn chưa có lương.

Gần 9000 lao động tại các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp ở Thái Nguyên bị mất, giãn việc.

"Công ty rất khó khăn không hỗ trợ được cho công nhân, chính quyền thì cũng chưa hỗ trợ gì. Mong muốn các cấp quan tâm hỗ trợ cho công nhân trong đợt dịch vì đợt dịch này sẽ còn kéo dài không phải chỉ một vài tháng mà còn rất là lâu", chị Sinh chia sẻ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất may mặc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo hàng nghìn lao động bị chấm dứt, tạm dừng hợp đồng lao động, trong đó có nhiều người chưa đủ điều kiện bảo hiểm tự nguyện.

Ông Nông Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Về phía người lao động muốn hỗ trợ kịp thời nhất, thì chính sách hỗ trợ cũng đưa ra các đối tượng được hưởng 1,8 triệu đồng không tối đa quá 3 tháng. Cái này đang triển khai đang chờ hướng dẫn. Số lượng đã thống kê, chính sách triển khai như thế nhưng vẫn đang chờ".

Hiện các cấp công đoàn ở tỉnh Thái Nguyên đã vận động nhà hảo tâm được gần 30 tỷ đồng hỗ trợ cho đoàn viên người lao động, mỗi suất từ 100.000-500.000 đồng. Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Gói hỗ trợ của Chính phủ còn chậm triển khai.

"Để người lao động có thể thụ hưởng sớm nhất, công đoàn cũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương sớm rà soát các đối tượng, để người lao động sớm nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ", bà Hằng chia sẻ.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn bằng các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với người nộp thuế là việc làm cấp thiết để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả mục tiêu đã đề ra thì các ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, rà soát để tránh việc trục lợi chính sách và hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, đặc biệt là với người lao động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên