Bàn cờ châu Á: Trung - Ấn ‘so găng’

(VOV) - Đằng sau những lời lẽ hoa mỹ, hai cường quốc vẫn tích cực “đấu ngầm”. Ấn Độ đã có hàng loạt bước đi nhằm giành thế thượng phong.

Những động thái này của Ấn Độ là dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình” một cách mãnh liệt và trở thành tâm điểm trong hàng loạt vụ việc căng thẳng trên các vùng biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Tờ Asia Times mới đây đăng tải bài phân tích của tác giả Daniel Thorp, trong đó xâu chuỗi những điều chỉnh chiến lược về quân sự và ngoại giao mà Ấn Độ đã áp dụng khá hiệu quả để tránh “đòn công” và giành quyền chủ động trong quan hệ với nước láng giềng khổng lồ.

Tất nhiên, trong các ngôn từ ngoại giao, cả hai đều hối thúc tăng cường hợp tác song phương và phối hợp với nhau để lái nền kinh tế toàn cầu theo định hướng bền vững.

Chẳng hạn, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh: Ấn Độ không hề có ý định kiềm chế Trung Quốc và ông sẽ không dung thứ bất cứ hành động bài Trung Quốc nào trên lãnh thổ Ấn Độ.

Tuy nhiên, tác giả Thorp cho rằng, trong nội bộ chính giới và các chiến lược gia cùa Ấn Độ suốt một thập kỷ qua vẫn gia tăng một nỗi sợ ngầm đối với “mối nguy Trung Quốc”. Nhiều người trong số họ lo ngại Bắc Kinh đang thực thi các chiến lược bao vây và kiềm chế nhằm bó chặt Ấn Độ trong tiểu lục địa Ấn Độ.

Đáp lại, New Delhi đang từng bước kết hợp giữa đối trọng từ bên trong bằng phát triển khả năng quân sự trên bộ và trên biển, với cân bằng đối ngoại thông qua hợp tác quân sự với các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á.

Tàu chiến Ấn Độ (Ảnh: defenceforumindia)

Phát triển sức mạnh cứng

Ấn Độ có nhiều phương thức khác nhau để gây dựng “nội lực”, trong đó có việc tăng 17%  ngân sách quốc phòng 2012-2013 so với năm trước, lên mức 41 tỷ USD. Khoản ngân sách này giúp Ấn Độ mua 126 chiến đấu cơ Rafale, do hãng Dassault của Pháp sản xuất (trong 1 thập kỷ tới), song song với việc phát triển 200 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cùng với Nga (cho đến năm 2017).

Thứ 2, Ấn Độ đã và đang tăng cường sức mạnh phòng thủ dọc theo các khu vực biên giới có tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2011, có thêm 100.000 quân Ấn đồn trú dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa 2 nước, bên cạnh các tên lửa hành trình BrahMos bố trí dọc theo mạn biên giới phía đông. Ấn Độ cũng cho xây các con đường mới và nâng cấp hệ thống căn cứ không quân trong khu vực này nhằm củng cố thêm thế trận của mình tại đây.

Điều quan trọng nhất, Ấn Độ đã tiến một bước dài trên phương diện phòng thủ hạt nhân khi phóng thử thành công tên lửa Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Với tầm bắn 5.000km, các tên lửa này có thể uy hiếp hầu hết các thành phố lớn nằm dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc.

Ngoài việc hiện đại hóa lục quân, New Delhi còn ra sức phát triển khả năng tác chiến trên biển. Có thể thấy rõ các tư lệnh hải quân Ấn Độ đang chuyển hướng theo học thuyết địa chính trị dựa vào biển của Alfred Mahan, với tham vọng phát triển một lực lượng hải quân viễn dương hùng mạnh bảo vệ không chỉ vùng biển ven bờ mà còn cả các tuyến hàng hải xa xôi giữa Ấn Độ Dương hay các đại dương liền kề.

Hiện đại hóa hải quân còn bao gồm xây dựng hai quân cảng nước sâu mới ở Kawar (bờ biển tây nam) và gần Viskhapatnam thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân phía Đông. Cùng với việc lập Bộ Tư lệnh Hải quân Viễn Đông ở thành phố Port Blair trên quần đảo Andaman, giờ đây hải quân Ấn Độ có thể tỏa khắp Vịnh Bengal hay dễ dàng chọc xuống Eo biển Malacca, làm trầm trọng thêm thế khó khăn của Trung Quốc ở Malacca.

Song song với các bước phát triển trên, Ấn Độ còn tăng cường thuê hoặc tự phát triển “hàng nóng” hải quân, gồm tàu ngầm hạt nhân INS Chakra và INS Arihant. Hải quân Ấn Độ cũng sẽ đưa vào sử dụng tàu sân bay Gorshkov mua của Nga (được đổi tên thành INS Vikramaditya) vào tháng 12/2012. Đây là một phần trong kế hoạch do Đô đốc Sureesh Mehta vạch ra nhằm xây dựng hạm đội đông tới 160 tàu chia làm 3 nhóm hàng không mẫu hạm.

Ấn Độ và Trung Quốc trên bản đồ thế giới (Ảnh: Bưu điện Kuala Lumpur)

Ngoại giao bao vây

Trên bộ, New Delhi tăng cường đầu tư cho mối quan hệ với Afghanistan, thiết lập quan hệ đối tác với nước này vào tháng 10/2011, nhằm tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở đây sau khi lực lượng liên quân rút khỏi đất nước Trung Á này vào năm 2014.

Ấn Độ cũng mở rộng quan hệ với lực lượng an ninh của Tajikistan, tài trợ cho nước này nâng cấp 2 căn cứ không quân và xây dựng một quân y viện và một kho hậu cần quân sự. Có nguồn tin cho hay cả Tajikistan, Ấn Độ và Nga đang thảo luận về vấn đề dùng chung căn cứ không quân Ayni.

Mông Cổ đã ký thỏa thuận hợp tác phòng thủ với Ấn Độ năm 2001, cho phép nước này đặt các dàn radar giám sát các vụ thử hỏa tiễn của Trung Quốc, và tổ chức các diễn tập quân sự song phương giữa 2 nước từ năm 2004.

Quan hệ giữa New Delhi với Tajikistan và Afghanistan có tiềm năng giúp hạn chế việc Trung Quốc sử dụng Pakistan để gây khó cho Ấn Độ và đẩy Ấn Độ vào thế kẹp giữa 2 gọng kìm. Khi gia tăng ảnh hưởng của mình ở Afghanistan, Ấn Độ đồng thời có thể làm xói mòn ảnh hưởng của Pakistan ở Afghanistan mà Islamabad vốn coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của mình.

Trên mặt trận hàng hải, có thể thấy Ấn Độ đã tranh thủ “gần gũi” các nước láng giềng Trung Quốc có xung khắc với nước này.

Trước tiên phải kể tới quan hệ Ấn Độ - Singapore mới phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiệp định hợp tác quốc phòng năm 2003 mở rộng các cuộc tập trận song phương trên Vịnh Bengal và Biển Đông.

Quan hệ với Singapore có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị khi quốc gia Đông Nam Á này nằm về mạn tây của Biển Đông và mạn đông của Eo biển Malacca - cả hai đều là các tuyến hàng hải sống còn đối với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Quan hệ an ninh thân cận với Singapore cho phép hải quân Ấn Độ viễn chinh xuống vùng Biển Đông và đe dọa phong tỏa Eo biển Malacca liên quan mật thiết đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Hợp tác Ấn - Nhật là một đe dọa an ninh khác đối với Trung Quốc, tạo thế gọng kìm cả trên bộ và trên biển. Nhật Bản và Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác an ninh với các cuộc diễn tập hải quân Malabar.

Tất nhiên, Ấn Độ không thể quên Mỹ, đồng minh của Nhật và là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc. Dù quan hệ giữa 2 nước chưa thực sự mặn mà, một phần do chính sách không liên kết của Ấn Độ, hai bên đều coi trọng quan hệ song phương. Tổng thống Obama từng tuyên bố quan hệ giữa 2 nước sẽ là một trong những mối quan hệ tiêu biểu cho thế kỷ 21./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên