Bất lợi sau bầu cử, Netanyahu nhận nguyên “gáo nước lạnh” từ Trump
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang giữ khoảng cách với Thủ tướng Netanyahu sau cuộc bầu cử Quốc hội Israel.
Ông Trump đã từ chối đưa ra lời động viên hoặc khen ngợi Thủ tướng Netanyahu, một trong những đồng minh trung thành nhất của ông ở nước ngoài, hiện đang phải đối mặt với thất bại sau cuộc bầu cử.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu trong một cuộc gặp. Ảnh: Time of Israel. |
Ông Trump “dửng dưng” với đồng minh
Phát biểu một ngày sau cuộc bầu cử Israel, giữa lúc Thủ tướng Netanyahu đang ở thế bất lợi, ông Trump có vẻ như “dửng dưng” với đồng minh đứng đầu đảng bảo thủ Likud, người luôn có cùng quan điểm với ông. Tổng thống Trump cho biết, ông vẫn chưa nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu, dù trước đó từng mô tả nhà lãnh đạo Israel là một người bạn thân thiết. Ông Trump lưu ý cuộc bầu cử tại Israel đã khép lại, đồng thời hạ thấp tầm quan trọng của ông Netanyahu trong quan hệ liên minh giữa Mỹ và Israel. “Quan hệ của chúng ta là với Israel, vì thế chúng tôi sẽ quan sát xem điều gì xảy ra”, ông Trump phát biểu với báo chí khi tới California.
Thủ tướng Netanyahu đã không giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 17/9 vừa qua. Trước đó nhà lãnh đạo Israel từng kỳ vọng cuộc bầu cử này sẽ giúp ông có thêm một nhiệm kỳ nữa và trở thành “tấm khiên chắn” chống lại những cáo buộc tham nhũng đối với ông.
Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã dành nhiều ưu ái cho Thủ tướng Netanyahu. Quan điểm cứng rắn của nhà lãnh đạo Mỹ về cuộc xung đột Israel-Palestine, việc ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem và tuyên bố sẽ công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan là những “món quà vô giá” mà Tổng thống dành tặng cho “người bạn thân” của mình. Thế nhưng tình hình hiện nay đã khác. Nhiều ý kiến cho rằng, lời bình luận mà ông đưa ra hôm qua (18/9) cho thấy Tổng thống Trump có xu hướng tách khỏi các đồng minh chính trị một khi họ bị suy yếu hoặc trở thành “gánh nặng” đối với ông. “Lạnh như băng”, chuyên gia Tamara Cofman Wittes nghiên cứu về Trung Đông tại việt Brookings viết trên trang Twitter.
Hiện, ông Trump vẫn chưa quyết định làm thế nào để xử lý quan hệ với Thủ tướng Netanyahu vốn đang đối mặt với nguy cơ thất bại hoặc một thủ tướng mới của Israel – người có thể có những quan điểm ôn hòa hơn so với ông về Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu vẫn có khả năng tại vị nếu ông đạt thỏa thuận với một đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh hoặc chia sẻ quyền lực và nhiều nhà phân tích cho rằng ông có lợi thế hơn so với đối thủ là cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu đảng Xanh và Trắng trong vấn đề này. Tuy nhiên, những thỏa thuận như vậy sẽ khiến ông Netanyahu bị hạn chế quyền lực.
Dan Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel cho biết, lời lẽ của Tổng thống Trump cho thấy ông đã cảm nhận được sự suy yếu của Thủ tướng Netanyahu và muốn giữ khoảng cách nhất định với nhân vật này. “Ông Trump không muốn làm việc nhiều với một người thua cuộc”, cựu Đại sứ Shapiro nhận xét. Tuần trước nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận khi Thủ tướng Netanyahu cam kết sẽ sáp nhập nhiều khu vực ở Bờ Tây nếu ông tái đắc cử.
Thái độ này hoàn toàn trái ngược với những ngôn từ nồng ấm xung quanh nỗ lực tái tranh cử của ông Netanyahu cách đây 5 tháng, khi Tổng thống Trump công bố lập trường về chính sách mới của Mỹ đối với Cao nguyên Golan và dường như rất hài lòng khi ông Netanyahu thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa hai bên. Trong một cử chỉ hiếm hoi, ông Trump tuần trước tuyên bố rằng ông và nhà lãnh đạo Israel sẽ xem xét một Hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, hiệp ước này được đánh giá sẽ không tạo ra những biến chuyển lớn trong quan hệ quân sự giữa hai quốc gia.
Netanyahu không phải là “chìa khóa duy nhất”
Aaron David Miller, cựu cố vấn Mỹ về vấn đề Israel và Palestine cho biết, Tổng thống Trump bắt đầu thể hiện thái độ xa cách với ông Netanyahu khi ông Netanyahu rơi vào cuộc ganh đua khốc liệt.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, toan tính của Tổng thống Trump là tập trung vào nền chính trị trong nước và chính sách đối ngoại của Mỹ để giành ưu thế trước cuộc bầu cử năm 2020. Cách tiếp cận cứng rắn của ông về vấn đề Israel-Palestine, cũng như những ưu ái ông dành cho Israel không chỉ nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri Do Thái từng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vào năm 2016, mà còn giúp giữ chân những người ủng hộ trung thành nhất với ông – những người đề cao vai trò của Israel. Đối với Tổng thống Trump, việc làm hài lòng các cử tri Do thái bảo thủ tại Mỹ quan trọng hơn mối quan hệ ông đã gây dựng với Thủ tướng Netanyahu, ông David Miller nói. “Tổng thống Trump chỉ quan tâm đến cuộc bầu cử sắp tới, chứ không phải ông Benjamin Netanyahu”.
Nói cách khác, Tổng thống Trump chưa bao giờ coi ông Netanyahu là chìa khóa duy nhất cho vận may chính trị của ông. Thay vì đó ông chỉ coi nhà lãnh đạo Israel là đối tác trong việc xây dựng sự đồng thuận chống lại di sản của cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Obama từng có quan hệ không mấy tốt đẹp với Thủ tướng Netanyahu và hai bên đã nảy sinh nhiều bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Trump đã dành nhiều “đặc ân” cho ông Netanyahu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông coi quan hệ cá nhân này là yếu tố quyết định cho toàn bộ quan hệ của Mỹ với Israel.
“Tổng thống rất đúng khi nói rằng quan hệ của Mỹ là với Israel chứ không phải nhà lãnh đạo nước này. Mối quan hệ giữa hai quốc gia lớn hơn nhiều so với quan hệ giữa các cá nhân. Chúng tôi đã phải chứng kiến quan hệ có thể coi là tồi tệ nhất giữa ông Obama và ông Netanyahu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc liên minh giữa Mỹ với Israel có nguy cơ đổ vỡ”, một quan chức Mỹ cho biết.
Tổng thống Trump đã tỏ ra không hài lòng trước sự phản đối của ông Netanyahu với chính sách ngoại giao mới của Mỹ với Iran – một kế hoạch mà ông Trump coi là cơ hội để xây dựng di sản như một người hòa giải, các quan chức Mỹ cho biết.
Việc chia sẻ lập trường phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết dưới thời Tổng thống Obama đã giúp ông Trump và ông Netanyahu ngày càng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, quan điểm nhà lãnh đạo Mỹ là muốn xây dựng một thỏa thuận tốt hơn với những nhượng bộ có lợi hơn cho Washington. Trong khi đó, ông Netanyahu không đồng ý với bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào, trong đó có cả thỏa thuận từ Tổng thống Trump nếu được ký kết.
Những nhân vật trung thành với Tổng thống Trump đã cảm thấy khó chịu với chuyến thăm Anh hồi đầu tháng 9 của Thủ tướng Netanyahu. Tại đây, ông Netanyahu đã gặp Thủ tướng Boris Johnson trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Mỹ tránh tiếp xúc trực tiếp với phía Iran./.