Anh sẵn sàng cứng rắn với EU “theo kiểu Australia”
VOV.VN - Anh sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU và thiết lập quan hệ “theo các điều kiện như kiểu Australia" nếu không đạt được thỏa thuận thương mại giữa 2 bên.
Ngày mai (8/9), Anh và Liên minh châu Âu bước vào vòng đàm phán mới thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa hai bên sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này không kỳ vọng đạt được kết quả khả quan khi ngay trước thềm đàm phán cả phía EU và Anh đều có những tuyên bố cứng rắn.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố, nước này sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập quan hệ “theo các điều kiện như kiểu Australia”, tức giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) nếu không đạt được thỏa thuận thương mại giữa 2 bên.
“Tuần này, các cuộc đàm phán thực sự quan trọng. Tất cả những gì Vương quốc Anh yêu cầu là được đối xử như bất kỳ quốc gia nào khác trong các cuộc đàm phán thương mại tự do. Không quốc gia nào khác chấp nhận bị ràng buộc hoặc kiểm soát bởi các quy tắc của EU hoặc trong quan hệ của nước đó với bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi nghĩ, EU muốn có một thỏa thuận tốt và chúng tôi cũng muốn có một thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được các quy tắc của chúng tôi thì chúng tôi sẽ quay lại các quy tắc kiểu Australia”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hiếm hoi công bố cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán của Anh, David Frost đã không bày tỏ nhiều kì vọng về khả năng tạo ra đột phá. Theo đó, ông David Frost tái khẳng định lập trường của chính phủ Anh là không nhượng bộ và không lo ngại về một kịch bản không thỏa thuận.
Thậm chí, mạnh mẽ hơn, Thủ tướng Boris Johnson còn tuyên bố rằng, Anh có thể rời khỏi các cuộc đàm phán trong vòng vài tuần và nhấn mạnh rằng, nước này sẽ “thịnh vượng và mạnh mẽ” ngay cả khi Anh có “một thỏa thuận thương mại với EU như của Australia”. Thủ tướng Anh tuyên bố, một thỏa thuận chỉ có thể thực hiện được nếu các nhà đàm phán EU “suy nghĩ lại về vị trí hiện tại của họ”.
Đến lượt mình, EU cáo buộc Anh không đàm phán nghiêm túc. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier được cho là vẫn cương quyết yêu cầu phía Anh phải đồng ý không thực hiện bất kỳ thay đổi nào có thể làm sai lệch thỏa thuận thương mại với EU, mà không tham vấn Brussels. Theo ông Barnier, cuộc đàm phán thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc có đạt được nhất trí về việc EU tiếp cận với vùng biển đánh cá của Anh cũng như quy định về cứu trợ nhà nước hay không.
“Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn có một thỏa thuận với EU. Đây cũng là mong muốn của Nghị viện Châu Âu, mong muốn của 27 nguyên thủ và chính phủ các nước thành viên EU và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đạt được một thỏa thuận cho đến phút cuối cùng. Nhưng phải nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không hy sinh, không bao giờ hy sinh lợi ích kinh tế và chính trị lâu dài của EU vì lợi ích duy nhất của Vương quốc Anh”.
Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1, song nước này vẫn đang trong một giai đoạn chuyển tiếp, theo đó các quy định của EU vẫn áp dụng cho đến ngày 31/12, sau đó một quy chế thương mại mới sẽ có hiệu lực hoặc Anh sẽ trở lại các quy tắc thương mại do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra.
Tuy nhiên, trước sự cứng rắn của cả hai bên, các nhà phân tích đánh giá thấp khả năng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại khi thời hạn chót đang cận kề./.