Châu Âu loay hoay định hình chiến lược khi Mỹ đảo chiều viện trợ quân sự cho Ukraine
VOV.VN - Liên minh châu Âu đang loay hoay định hình chiến lược viện trợ cho Ukraine khi chính quyền Tổng thống Trump liên tục thay đổi chính sách, từ bất ngờ đóng băng đến đột ngột tái viện trợ quân sự. Sự thiếu nhất quán của Mỹ khiến Brussels bất an và NATO chao đảo trong cơn “chóng mặt” chính trị.
Việc Mỹ bất ngờ đóng băng rồi lại tái khởi động viện trợ quân sự cho Ukraine được cho là đã khiến Brussels hoang mang về ý định thực sự của Washington. Điều này khiến các nước đồng minh châu Âu đang phải vật lộn để xây dựng một chiến lược thống nhất trong việc hỗ trợ Ukraine, do chính sách thường xuyên thay đổi và khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tờ Politico đưa tin hôm 10/7, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh.

Các đồng minh châu Âu đã “bị sốc” khi Lầu Năm Góc công bố tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine vào tuần trước, với lý do lo ngại kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó đã “quay ngoắt 180 độ” khi cam kết tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev và thậm chí còn gia tăng lập trường cứng rắn với Nga, theo Politico.
Do đó, các quốc gia NATO châu Âu đang phải chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau để đối mặt với cảm giác “chóng mặt” vì sự thay đổi liên tục trong chính sách của Mỹ.
“Cảm nhận chung ở châu Âu là chính quyền Mỹ hiện khá thiếu sự phối hợp trong vấn đề Ukraine. Nhiều chính phủ thành viên NATO đang phải chạy theo để bắt kịp tâm lý thay đổi từng ngày của Washington”, một quan chức được Politico trích lời cho biết.
Một nguyên nhân khác gây khó hiểu là việc Mỹ thiếu minh bạch trong truyền đạt chính sách. “Thật khó để biết chính xác điều gì đang diễn ra trong nội bộ chính quyền, đặc biệt là khi có sự khác biệt rõ ràng về giọng điệu giữa Tổng thống Trump và Lầu Năm Góc”, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Trong bối cảnh Lầu Năm Góc sẽ công bố báo cáo đánh giá lại lực lượng toàn cầu vào tháng tới, các đồng minh NATO ở châu Âu cũng đang lo ngại rằng một phần quân đội Mỹ đóng tại lục địa này có thể sẽ bị điều chuyển đi nơi khác. Theo Politico, một số quốc gia lớn trong khối NATO vẫn “mù mờ thông tin” về khả năng mất đi các căn cứ quân sự Mỹ do chưa có cuộc tham vấn chính thức nào được tiến hành.
Tổng thống Trump ngày càng thúc đẩy quan điểm rằng các đồng minh nên tự lo liệu cho nhu cầu quốc phòng của mình, đồng thời gánh vác phần lớn chi phí hỗ trợ Ukraine, phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông từng nhiều lần nhấn mạnh.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels tháng trước, các lãnh đạo châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% đã tồn tại từ lâu. Brussels gần đây cũng nhắc lại cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”.
Vào tháng 6, EU đã chuyển khoảng 335 tỷ euro (391 tỷ USD) từ các quỹ hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19 sang chi tiêu quốc phòng. Trước đó một tháng, Brussels cũng tung ra một gói vay và tài trợ trị giá 150 tỷ euro (175 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng trong khối. Một phần số tiền này cũng sẽ được chuyển cho Ukraine.
Nga đã lên án các bước đi này đồng thời hoan nghênh nỗ lực của Mỹ trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, ngày 10/7 cho biết Moscow đang chờ tín hiệu từ Kiev xem liệu nước này có sẵn sàng tiến hành vòng đàm phán hòa bình trực tiếp thứ ba hay không.