Chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa (Mỹ) và các hệ lụy
VOV.VN - Cuộc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện cho Quốc hội khóa mới tại Mỹ diễn ra phức tạp chưa từng thấy, phản ánh chia rẽ trong đảng Cộng hòa. Sau 10 vòng bỏ phiếu, hạ nghị sĩ McCarthy vẫn chưa thể giành đủ số phiếu để kế nhiệm bà Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện.
Trở ngại của nghị sĩ McCarthy
Diễn biến của cuộc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện cho Quốc hội khóa mới tại Mỹ mặc dù được dự báo là sẽ khó khăn cho ứng cử viên hàng đầu, Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy nhưng không ngờ lại vô cùng phức tạp và đúng là hàng trăm năm mới có một lần. Trong lịch sử 127 cuộc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện thì cuộc bầu cử gần đây nhất phải bầu lại nhiều lần là năm 1923 khi Hạ nghị sĩ khi Frederick Gillett của đảng Cộng hòa cũng cần tới 9 vòng bầu mới trúng cử. Đây cũng là cuộc bầu cử duy nhất phải tổ chức các vòng bỏ phiếu tiếp theo kể từ năm 1891.
Trở lại cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện khóa mới, đến tối thứ Năm, ngày 5/1 theo giờ địa phương thì Hạ viện đã phải trải qua 10 vòng bầu cử và ông McCarrthy tiếp tục thất bại. Dự kiến đêm nay đảng Cộng hòa sẽ tổ chức phiên họp để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ bế tắc.
Trong vòng bầu cử thứ 9, ứng cử viên hàng đầu ông Kevin McCarthy chỉ có được 200 phiếu so với 218 phiếu cần thiết tối thiểu. Thậm chí số phiếu này còn thấp hơn một phiếu so với vòng bỏ phiếu lần thứ 8. Theo thông lệ, trong các cuộc bầu cử như vậy thì tất cả hoặc hầu hết các đảng viên sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình. Việc ông McCarthy không có được sự ủng hộ cần thiết xuất phát từ sự phản đối của một số thành viên có quan điểm cứng rắn trong đảng Cộng hòa trong bối cảnh đảng này chỉ chiếm đa số tối thiểu trong Hạ viện.
Xét về yếu tố lịch sử, ông McCarthy chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong cuộc đua trở thành Chủ tịch Hạ viện khi đảng Cộng hòa chỉ nắm đa số tối thiểu với 222 ghế. Việc nắm đa số tối thiếu ít ỏi khiến chỉ cần 5 thành viên phản đối, điều thường xuyên diễn ra trong các cuộc bầu chọn sẽ khiến ông McCarthy thất bại.
Thứ hai, về mặt cá nhân, trong các cuộc thăm dò dư luận, ông McCarthy được đa số thành viên Cộng hòa ủng hộ nhưng không phải tất cả đều muốn ông trở thành Chủ tịch Hạ viện. Trở ngại lớn nhất đối với ông McCarthy là một số thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa, những người theo quan điểm bảo thủ cho rằng ông này không đủ cứng rắn cũng như không đại diện cho bảo thủ, hình ảnh của đảng này. Số thành viên này dường như kiên quyết phản đối bất chấp các nhượng bộ cũng như vận động của ông McCarthy.
Kịch bản trong vòng tiếp theo và cách phá bỏ bế tắc
Trong những vòng bỏ phiếu vừa qua, các hạ nghị sĩ của phe Cộng hòa liên tục đưa ra những ứng cử viên đối đầu để ngăn cản việc ông McCarthy tập hợp đủ 218 phiếu.
Trong các cuộc họp của đảng Cộng hòa sau thất bại, ứng cử viên McCarthy đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ trong đảng bằng cách đưa ra hàng loạt các nhượng bộ, thậm chí có những nhượng bộ được xem là thách thức nhất từ trước đến nay đồng thời có thể khiến việc điều hành Hạ viện khó khăn hơn trong thời gian tới. Ví dụ, ông McCarthy cam kết cung cấp văn bản một dự luật 72 giờ trước khi đưa ra bỏ phiếu, điều gần như không thể thực hiện được trong thực tế.
Ông này cũng đồng ý điều kiện chỉ cần 5 thành viên Cộng hòa có thể đề nghị bỏ phiếu phế truất chức vụ Chủ tịch Hạ viện thay vì quy định như hiện tại là cần đa số quá bán. Tuy nhiên, các yêu cầu của nhóm nghị sĩ phản đối còn khắc nghiệt và khó khăn hơn nhiều, ví dụ như chỉ cần duy nhất một thành viên đảng Cộng hòa đề xuất là có thể bỏ phiếu phế truất, phải cam kết tổ chức bỏ phiếu về luật giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sĩ… Những yêu cầu mà bất kỳ ứng cử viên nào cũng khó có thể đáp ứng.
Ông McCarthy cũng đã gặp riêng một số thành viên Cộng hòa để đàm phán, tìm kiếm tháo gỡ bế tắc. Tuy nhiên, ông McCarthy khó có thể có được sự ủng hộ của tất cả các thành viên khi ngay trong số này cũng chia thành nhiều phe phái. Một nửa trong số phản đối muốn thay đổi các quy tắc hoạt động của Hạ viện và nửa còn lại dường như không muốn có một Chủ tịch Hạ viện nắm quyền quá lâu.
Nếu tiếp tục theo đuổi và để hội đủ số phiếu cần thiết trở thành Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy có thể sẽ phải tiếp tục nhượng bộ hoặc có đủ số nghị sĩ bỏ phiếu trắng để giảm con số 218 phiếu cần thiết. Thậm chí, một số chuyên gia chính trị còn bàn đến giải pháp nếu ông McCarthy nhất quyết làm Chủ tịch thì chỉ còn cách ngầm bắt tay với đảng Dân chủ, điều chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Các tác động lên đảng Cộng hòa và chương trình nghị sự của họ
Đảng Cộng hòa đã phải trải qua một kỳ bầu cử không mấy dễ dàng để giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Mâu thuẫn nội bộ trong đảng Cộng hòa đã tồn tại từ rất lâu, với quan điểm chính trị khác nhau như phái Cơ đốc cánh hữu ủng hộ các chính sách bảo thủ, phái tự do kết hợp giữa chủ nghĩa bảo thủ xã hội và tự do cực hữu về chính trị, kinh tế hay phái tân bảo thủ, phái ôn hòa… Gần đây, sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền thì trong nội bộ đảng Cộng hòa lại xuất hiện mâu thuẫn lớn giữa hai phe ủng hộ và phản đối ông này. Các mâu thuẫn này được xem là một trong số những nguyên nhân chính khiến đảng Cộng hòa không tạo được “làn sóng đỏ” như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra tháng 11 năm ngoái.
Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện vừa qua và rộng hơn, là mâu thuẫn nội bộ trong đảng Cộng hòa đang tác động tiêu cựu đến hình ảnh của đảng này đồng thời đặt ra những thách thức to lớn cho việc triển khai các chương trình nghị sự trong thời gian tới, thậm chí là tác động cả đến cuộc bầu cử Tổng thống hai năm tới. Mâu thuẫn trong đảng Cộng hòa càng làm nổi bật hình ảnh thống nhất, đoàn kết của đảng Dân chủ khi trong tất cả các vòng bỏ phiếu vừa qua, ứng cử viên của đảng này, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries đều nhận được đủ 212 phiếu ủng hộ.
Việc chưa bầu chọn được Chủ tịch Hạ viện cũng đang vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sĩ và dư luận Mỹ khi cho rằng có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và hoạt động của cả quốc hội và chính quyền. Sau khi bầu Chủ tịch, các nghị sĩ đắc cử sẽ tuyên thệ và chính thức đảm nhiệm vị trí của mình, toàn thể quốc hội sẽ thông qua Bộ quy tắc hoạt động của Hạ viện mới. Với việc không thể tuyên thệ, các nghị sĩ đắc cử không được tham dự các cuộc họp quan trọng, không thể đề xuất và thông qua các dự luật. Thậm chí, nếu chưa thể thông qua được Bộ quy tắc hoạt động mới vào cuối tuần sau, các ủy ban thậm chí còn không có ngân sách để trả lương cho nhân viên.
Điều rõ nhất là sự chia rẽ và mâu thuẫn đang thể hiện việc đảng Cộng hòa đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo khi thiếu các nhà lãnh đạo có tiếng nói và ảnh hưởng có thể thống nhất quan điểm trong đảng. Thực tế này cho thấy, trong thời gian tới có thể chỉ cần một nhóm nhỏ phản đối là mọi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hoặc thậm chí là hoạt động của toàn Hạ viện có thể bị ngăn cản, thậm chí là không thể hoạt động bình thường. Việc thiếu một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và dung hòa các mâu thuẫn trong đảng, tương tự như cựu Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi sẽ khiến các chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa khó có thể thống nhất ngày từ đầu.
Theo đó, trong trường hợp ông McCarthy đưa ra mọi nhượng bộ và thu được đủ số phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện thì ông này cũng sẽ là một chủ tịch có tiếng nói và quyền lực yếu ớt nhất cho đến nay./.