Cuộc chiến khí đốt Nga – Ukraine: Chưa có hồi kết

Mặc dù Nga đã quyết định phục hồi việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng khu vực này vẫn chưa nhận được, hoặc nhận được rất ít gas, khiến cuộc chiến khí đốt giữa Moscow và Kiev vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Thực hiện thoả thuận giữa Nga và Ukraine ký chiều ngày 13/1/2009, từ thời điểm này, Moscow nối lại nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp đến, các nước châu Âu lại thất vọng khi tiếp tục lâm vào tình cảnh thiếu nguồn khí đốt để sưởi ấm trong khi tại một số nơi, nhiệt độ xuống thấp đến âm 25oC. Lãnh đạo tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga khẳng định đã bơm gas sang châu Âu và cáo buộc Ukraine không mở bất cứ một trạm xuất gas nào. Còn các cố vấn năng lượng của Ukraine cho rằng, Nga cố ý chuyển gas theo một tuyến đường khác. Với những cáo buộc lẫn nhau này, cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine lại tiếp diễn, đẩy quan hệ hai nước lên một nấc thang căng thẳng mới. 

Đây là kết cục không có gì bất ngờ. Bởi cho dù hai bên đã đạt được thoả thuận trong việc nối lại nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, nhưng nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết. Trong cuộc chiến này, yếu tố chính trị, như tham vọng của Kiev trong việc gia nhập Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay sự ủng hộ quá nhiệt tình của nước này đối với Gruzia trong cuộc xung đột tại Nam Ossetia, chưa phải là nguyên nhân chính. Tiền mới là gốc rễ của cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine. Hiện nay, khí đốt châu Âu tiêu thụ do Nga cung cấp và khoảng 80% trong số này được trung chuyển qua Ukraine.

Gần hai thập kỷ qua, Nga đã bán khí đốt cho Kiev với giá ưu đãi, chỉ gần 180USD/m3 khí, trong khi các nước châu Âu phải trả đến hơn 400USD, thậm chí 500USD. Những năm qua, Moscow cũng đã tìm cách nâng giá bán khí đốt cho Ukraine lên bằng giá thị trường, nhưng không mấy thành công. Giờ đây, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi giá dầu đã giảm từ hơn 140USD/thùng xuống dưới 50USD/thùng và dự trữ ngoại tệ của Nga hiện chỉ bằng 2/3 so với mức năm ngoái, rõ ràng Moscow phải có biện pháp kiên quyết hơn trong việc tính lại giá bán khí đốt cho Kiev. Đã thế, Ukraine lại không thanh toán đủ số tiền mua khí đốt và còn cắt xén lượng khí đốt của Nga trung chuyển sang châu Âu.

Để chấm dứt tất cả những hành động đó của Ukraine, Nga quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho nước này từ ngày 1/1/2009 và một tuần sau đó Nga khoá nốt toàn bộ nguồn cung khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu. Mặc dù vậy, Nga cũng không muốn gây căng thẳng với châu Âu. Quyết định cấp lại khí đốt cho châu Âu đã thể hiện rất rõ thông điệp đó của Moscow. Thế nhưng, thoả thuận này ngay khi thực hiện đã gặp những trở ngại do Ukraine lại khoá các đường ống dẫn dầu tới các nước châu Âu và chỉ mở đường ống trong nước.

Do đó, các nước châu Âu không thể trách cứ Nga về việc thiếu nguồn khí đốt. Và Ukraine cũng chẳng đạt được mục đích của họ, muốn qua cuộc chiến khí đốt làm cho Nga trở thành một đối tác không đáng tin cậy, còn Kiev tiếp tục có lợi thế trong việc mua khí đốt của Moscow. Ukraine đang là quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn thứ 6 trên thế giới. Nga đang cung cấp tới hơn 75% lượng khí tiêu thụ cho nước này. Thực tế, Kiev không thể tìm đâu ra một nhà cung cấp khác có qui mô và gần gũi như Nga. Vì thế, về lâu dài cũng như ngắn hạn, Ukraine vẫn phải cần đến Nga với tư cách là một đối tác lớn, quan trọng. Việc Nga lập lại trật tự về giá khí đốt là một yêu cầu khách quan và cấp thiết. Ukraine cần phải minh bạch và bình đẳng trong mọi hoạt động thương mại của mình - như nhận định của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ. Có như vậy, cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine, mới được giải quyết triệt để./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên