Đối tác châu Á có cứu được Iran trước chiến dịch trừng phạt của Mỹ?
VOV.VN - Một số đối tác mua dầu lớn của Iran tại châu Á đang tìm cách đàm phán để tránh các tác động do biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm Iran.
Mỹ trong tuần này hy vọng tất cả các nước sẽ ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo hoạt động thương mại với Iran. Ảnh: VOX. |
Bước đi này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Iran, khi Mỹ tìm cách cô lập kinh tế, chính trị đối với Tehran. Tuy nhiên ,một số đối tác mua dầu lớn của Iran tại Châu Á cho biết đang tìm cách đàm phán để tránh các tác động do biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm Iran.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo, các quốc gia khác sẽ đối mặt với trừng phạt nếu họ không dừng hoạt động thương mại với Iran. Một đoàn đại biểu Mỹ sẽ đến thăm Trung Đông tuần tới, hối thúc các nhà sản xuất dầu đảm bảo nguồn cung khi Iran bị loại khỏi thị trường với việc Mỹ tái áp đặt biện pháp trừng phạt vào ngày 4/11 tới .
Trước bối cảnh chính quyền Mỹ đang thúc đẩy chính sách bóp nghẹt nền kinh tế Iran, các đối tác mua dầu lớn của Châu Á có thể là cứu cánh giúp đỡ quốc gia Hồi giáo này. Iran là nước xuất khẩu lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và Nhật Bản, Hàn Quốc là hai trong số các khách hàng lớn của nước này, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên cả 4 đối tác này dường như không mấy ủng hộ yêu cầu của Mỹ. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 27/6 cho biết, Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Nhật Bản đang xem xét tác động các biện pháp của Mỹ với Iran có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết, chính phủ đang đàm phán với Mỹ để nhận được quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt. Ấn Độ cũng có thể lờ các cảnh báo của Mỹ khi quan chức nước này tuyên bố, Ấn Độ không công nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương mà chỉ tuân theo các biện pháp trừng phạt do Liên hợp quốc đưa ra. Các chuyên gia phân tích nhận định, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng có thể sẽ không ủng hộ yêu cầu của Mỹ.
Mặc dù các nước Châu Á vẫn đang cân nhắc thận trọng trước yêu cầu của Mỹ nhưng các nước Châu Âu – một phần quan trọng của Thỏa thuận vẫn đang loay hoay trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này. Lãnh đạo các nước Châu Âu vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 27/6 tiếp tục chỉ trích quyết định của Mỹ: “Hành động đơn phương của Mỹ rút khỏi thỏa thuận đối với tôi vẫn là một lỗi chính sách đối ngoại và an ninh lớn. Quyết định của Mỹ tiếp tục là một thách thức đối với các cơ chế đa phương cũng như nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều quan trọng hơn đó là thỏa thuận này đã nhận được sự ủng hộ của cả Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc”.
Châu Âu tung “đòn” bảo vệ, tránh tác động việc Mỹ trừng phạt Iran
Tuy vậy, do lợi ích kinh tế trong mối quan hệ với Mỹ nên thời gian qua cũng chứng kiến nhiều tập đoàn Châu Âu nối gót nhau dừng hợp tác với Iran. Theo một quan chức Mỹ, áp lực của Mỹ đang đạt hiệu quả trông thấy khi con số các công ty rời bỏ Iran “ không ngờ nhiều như vậy”.
Chỉ riêng nước Pháp, một số tập đoàn đã chọn giải pháp dừng hợp tác với Iran vì không có hy vọng thuyết phục được Mỹ đặc cách. Mỹ cũng tuyên bố không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào trong các biện pháp trừng phạt, cho thấy khó khăn của Hàn Quốc và Nhật Bản trong các cuộc đàm phán với Mỹ .
Có thể nói chính phủ của Tổng thống Iran Rouhani cũng đang đứng trước các sức ép, không chỉ trước biện pháp trừng phạt của Mỹ mà còn chính từ trong nội bộ Iran. Xuất khẩu dầu là một ngành kinh tế mũi nhọn của Iran và việc giảm sản lượng xuất khẩu có thể bóp nghẹt nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế cũng như cuộc sống của người dân Iran. Chính vì vậy, chính phủ của Tổng thống Rouhani đang gây sức ép buộc các đối tác Châu Âu phải hành động để giữ lại thỏa thuận lịch sử này.
Tổng thống Iran hôm 27/6 đã gửi một bức thư trong đó nêu các điều kiện tới lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Anh để tiếp tục duy trì Thỏa thuận hạt nhân. Trong một biện pháp răn đe, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cùng ngày cũng tuyên bố đã khởi động lại một nhà máy hạt nhân vốn dừng hoạt động trong 9 năm qua. Các quan chức Iran khẳng định, nước này sẽ không đầu hàng trước áp lực của Mỹ và buộc Mỹ phải “quỳ gối trên mặt trận ý chí”./.