Đức lo ngại nguy cơ bế tắc chính trị kéo dài sau bầu cử
VOV.VN - Các cuộc thảo luận về việc thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức đã bắt đầu được khởi động ngay trong sáng ngày 27/09, sau khi kết quả chính thức cho thấy đảng Dân chủ xã hội SPD chiến thắng.
Với việc hai đảng Dân chủ xã hội - SPD và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU giành các kết quả sít sao trong cuộc tổng tuyển cử liên bang, đồng thời đều tuyên bố muốn thành lập chính phủ, giới quan sát nhận định nước Đức có thể rơi vào tình thế bế tắc chính trị kéo dài trong thời gian tới.
Các cuộc thảo luận về việc thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức đã bắt đầu được khởi động ngay trong sáng ngày 27/09, sau khi kết quả chính thức cho thấy đảng Dân chủ xã hội SPD chiến thắng cuộc tổng tuyển cử liên bang ngày 26/09 với 25,7% tổng số phiếu bầu của cử tri Đức, nhưng không tạo được cách biệt lớn với đối thủ chính là đảng CDU (24,1%), khiến cả SPD và CDU đều tuyên bố muốn đứng ra thành lập chính phủ.
Phát biểu trước những người ủng hộ trong sáng 27/9 theo giờ địa phương tại thủ đô Berlin trước khi tiến hành phiên họp lãnh đạo đảng SPD, ông Olaf Scholz, ứng cử viên thủ tướng của SPD cho rằng, các cử tri Đức đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về việc đảng nào nên đứng ra thành lập chính phủ.
“Các cử tri đã nói rất rõ ràng về việc ai nên đứng ra lập chính phủ mới. Họ đã tăng cường sức mạnh cho 3 đảng: đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do( FDP). Đây rõ ràng là trọng trách mà các cử tri đất nước này đã giao phó và 3 đảng này cần lập nên chính phủ mới”.
Tuy nhiên, phía liên đảng CDU/CSU cũng kiên quyết chưa từ bỏ tham vọng đứng ra thành lập chính phủ mới tại Đức. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU tại Nghị viện Liên bang Đức, ông Ralph Brinkhaus cho rằng mặc dù kết quả bầu cử với CDU là thất vọng nhưng không có một ứng cử viên nào có được đa số ủng hộ rõ ràng để trở thành Thủ tướng nên cơ hội của CDU vẫn còn.
Hiến pháp Đức không quy định bắt buộc việc đảng chiến thắng bầu cử là đảng duy nhất có quyền thành lập chính phủ và trong quá khứ từng xảy ra kịch bản ứng cử viên của đảng về thứ hai lại là Thủ tướng Đức, đó là trường hợp cựu Thủ tướng Willy Brandt của đảng SPD năm 1969.
Trước tình thế hiện nay, mọi tập trung dồn vào hai đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP. Hai đảng này được coi là có tiếng nói quyết định đến việc liên minh nào sẽ được thành lập tại Đức và ứng cử viên của SPD hay CDU sẽ lên làm Thủ tướng Đức.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, các thảo luận liên minh sẽ rất phức tạp, có thể kéo dài nhiều tháng và đẩy nước Đức vào một tình thế bế tắc chính trị. Hans Brandt, một chuyên gia chính trị Đức nhận định: "Kết quả lần này thực sự tồi tệ đối với CDU, với mức ủng hộ thấp chưa từng có từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Vì thế, việc họ tuyên bố muốn thành lập chính phủ trên lý thuyết thì không phải là bất khả thi nhưng họ đang ở một vị trí rất yếu để đòi hỏi điều đó. Đảng nào cũng tuyên bố muốn tiến hành đàm phán liên minh nhanh, nhưng các đảng chưa thực sự biết rõ ý định của nhau nên các đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn".
Tình thế chính trị mới tại Đức cũng tạo nên các tranh luận tại châu Âu, do vai trò là nền kinh tế số 1 châu Âu của Đức. Phát biểu trên báo chí Pháp sáng ngày 27/09, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune, nhận xét, kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Đức cho thấy, các cử tri Đức đã bỏ phiếu cho Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel cùng chính sách duy trì sự ổn định của bà hơn là thực sự bầu cho SPD hay CDU.
Ông Clement Beaune cũng cho rằng, không chỉ các đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức sẽ khó khăn mà các thảo luận của bộ đôi hai nước Đức-Pháp trong thời gian tới cũng sẽ cần nỗ lực từ cả hai phía.
"Tất cả các đảng, trong đó đặc biệt là 3 đảng chính có thể lập nên liên minh, đều là các đảng ủng hộ châu Âu rõ ràng. Tuy nhiên, sẽ có những sự khác biệt, và cả những khó khăn trong các thảo luận giữa Đức và Pháp trong những tháng tới do hai bên không nhất trí với nhau về mọi vấn đề và những chủ đề bất đồng với Pháp cũng không giống nhau giữa hai nhóm đảng tại Đức"./.