EP ra nghị quyết phê phán cách đối phó dịch bệnh của 2 nước thành viên

VOV.VN - Nghị viện Châu Âu cho rằng các bước đi của Hungary và Ba Lan là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu”.

Nghị viện Châu Âu hôm qua (17/4) đã thông qua một nghị quyết trong đó mô tả các bước đi mới đây của Hungary và Ba Lan trong hoàn cảnh bùng phát dịch Covid-19 là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu” về dân chủ và công bằng. Đây là động thái chính thức mới nhất của Liên minh Châu Âu sau hàng loạt chỉ trích từ các lãnh đạo cấp cao của khối liên quan đến tình hình tại hai quốc gia thành viên này.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli phản ứng trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reurativ.

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Hungary đã trao cho Thủ tướng Viktor Orban quyền cai trị bằng sắc lệnh vô thời hạn để đối phó với dịch bệnh, trong khi đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới dù dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cụ thể, trong một điều khoản thuộc nghị quyết được thông qua với 395 phiếu thuận và 171 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu cho rằng các bước đi của cả hai nước là “hoàn toàn không tương thích với các giá trị của Châu Âu” về dân chủ và công bằng. Theo nghị quyết này, việc giám sát hoạt động của chính phủ tại Hungary đã bị suy yếu và việc tổ chức bầu cử trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh tại Ba Lan có thể đe dọa cả tính mạng người dân và hủy hoại khái niệm lá phiếu tự do, công bằng, trực tiếp và bí mật.

Cũng trong nghị quyết chung về cách thức ứng phó của Liên minh Châu Âu trước đại dịch và các hệ quả của nó, các Nghị sĩ Châu Âu nhắc lại lập trường của Ủy ban Châu Âu cho rằng, các biện pháp ứng phó phải nhất quán với quy tắc pháp quyền, có mối liên hệ rõ ràng với tình hình dịch bệnh và giới hạn về thời gian.  

Thông qua nghị quyết, các nhà lập pháp Châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban Châu Âu quyết định xem liệu Hungary và Ba Lan có vi phạm luật pháp EU hay không, đồng thời thúc giục đưa Điều 7 trong Hiệp ước Lisbon trở lại chương trình nghị sự Ủy ban Châu Âu. Biện pháp trừng phạt cao nhất trong Điều 7 của Hiệp ước Lisbon là tước quyền bỏ phiếu của một quốc gia thành viên trong EU./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên