EU đạt được thoả hiệp phân chia ghế lãnh đạo sau phiên họp marathon
VOV.VN - Về cơ bản, các thành viên EU đã thống nhất được các tên tuổi sẽ giữ các chức danh Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Sau phiên họp kéo dài đến tận 3h30’ sáng ngày 1/7 mà vẫn không thể thống nhất các phương án lựa chọn các lãnh đạo cho Liên minh châu Âu, nguyên thủ 28 nước thành viên của khối quyết định tiến hành tiếp một cuộc họp kéo dài, bắt đầu từ 7h30 sáng ngày 1/7 theo giờ Brussels thay vì tổ chức một cuộc Thượng đỉnh bất thường khác vào ngày 15/7.
Ứng cử viên Frans Timmermans nhận được sự ủng hộ để trở thành Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Ảnh: Euronews |
Kết quả, sau gần 4 tiếng họp buổi sáng, và tổng cộng là 19 tiếng kể từ khi các cuộc đàm phán và họp bàn bắt đầu từ chiều ngày 30/6, các nước EU đã đạt được một thoả hiệp về việc phân chia các ghế lãnh đạo của khối.
Cụ thể, ứng cử viên Frans Timmermans, đương kim Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, người Hà Lan và là đại diện cho nhóm đảng Dân chủ-xã hội (SD) châu Âu, lại nhận được sự ủng hộ để trở thành Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, thay ông Jean-Claude Juncker hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2019. Trước đó, trong tối ngày 30/6, cơ hội để ông Timmermans giữ chiếc ghế quyền lực nhất của EU tưởng như đã bị dập tắt sau khi vấp phải sự phản đối của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và nhóm các nước Visegrad ở Đông Âu gồm Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia.
Việc ông Timmermans được kéo trở lại cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nằm trong một gói các thoả hiệp khác mà nhóm đảng EPP chấp nhận trong phiên họp kéo dài sáng nay. Theo thoả hiệp này, hai ƯCV khác của nhóm đảng EPP là bà Kristalina Georgieva người Bulgaria, hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu thay ông Donald Tusk còn ông Manfred Weber, người đã thất bại trong tham vọng trở thành Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, sẽ giữ chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, ông Weber nhiều khả năng sẽ chỉ giữ chiếc ghế này trong nửa nhiệm kỳ, tức 2 năm rưỡi. Nửa sau nhiệm kỳ được cho là để giành cho 1 ƯCV khác của nhóm đảng Tự do, nhóm lớn thứ 3 tại Nghị viện châu Âu.
Việc các lãnh đạo EU tìm ra được thoả hiệp sau các phiên họp marathon kéo dài đã giúp khối này tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị do theo quy định vào ngày 3/7 Nghị viện châu Âu khoá mới sẽ họp phiên đầu tiên và bắt buộc phải bầu ra một Chủ tịch mới.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan đến việc phân chia ghế lãnh đạo EU bắt đầu từ sau cuộc bầu cử châu Âu cuối tháng 5/2019 cũng đã ghi nhận nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt trong cán cân quyền lực châu Âu, trong đó nổi bật nhất là việc nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày càng đánh mất uy tín và tầm ảnh hưởng khi liên tiếp bị các đối thủ chính trị chống đối và buộc phải nhân nhượng.
Ngoài ra, việc lần đầu tiên sau 15 năm, nhóm đảng EPP đánh mất chiếc ghế Chủ tịch Uỷ ban châu Âu nhiều quyền lực nhất cũng dự báo sẽ tạo nên nhiều thay đổi mới trên chính trường châu Âu trong thời gian tới./.