5 Tổng thống Mỹ đắc cử dù thua số phiếu phổ thông

VOV.VN - Các ứng viên Tổng thống Mỹ không cần phải đảm bảo có đa số phiếu phổ thông để giành chiến thắng, mà điều này phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri.

Trong số 58 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, 53 cuộc có người chiến thắng chiếm đa số cả về số phiếu phổ thông cũng như số phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, vẫn có tới 5 cuộc bầu cử mà người giành chiến thắng sau cùng trên thực tế lại thua về số phiếu phổ thông.

Vấn đề là ở chỗ: Tổng thống Mỹ lại không được bầu bằng số phiếu phổ thông. Chương 2, điều 1 của Hiến pháp Mỹ quy định” tổng thống được bầu gián tiếp thông qua các “đại cử tri”. Nhóm này được gọi là đại cử tri đoàn.

Để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống giai đoạn hiện đại, ứng cử viên cần phải giành được 270 trong số 538 tổng số phiếu đại cử tri. Các bang được phân bổ số phiếu đại cử tri dựa trên số đại diện trong Hạ viện, cùng 2 Thượng nghị sỹ.

Các đại cử tri lại được phân bổ theo dân số của mỗi bang, nhưng vẫn đảm bảo bang ít dân nhất cũng có tối thiểu ba đại cử tri (1 hạ nghị sỹ và 2 thượng nghị sĩ).

Dù vậy, sự đảm bảo tối thiểu này đồng nghĩa với việc các bang ít dân số hơn cuối cùng lại có tỷ lệ đại cử tri tính theo đầu người lớn hơn các bang đông dân hơn. Ví dụ, bang  Wyoming chỉ có 1 đại biểu trong Hạ viện đại diện cho 570.000 cư dân. Trong khi California, có dân số lớn hơn nhiều, có tới 53 đại biểu trong Hạ viện, nhưng mỗi nghị sỹ này lại đại diện tới 700.000 dân.

Vì tất cả các đại cử tri của mỗi bang sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống giành được nhiều phiếu phố thông nhất trên toàn bang, nên về mặt toán học, ứng viên tranh cử có thể giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn đối thủ, dù thua số phiếu phổ thông. Về cơ bản, đó là những gì đã từng xảy ra năm 2016 với đương kim Tổng thống Donald Trump.

Dưới đây là 5 cuộc bầu cử mà người trở thành chủ nhân Nhà Trắng lại thua đối thủ về số phiếu phổ thông.

John Quincy Adams (1824)

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1824 là một ngoại lệ đặc biệt khi ứng viên giành chiến thắng cuối cùng lại thua cả về số phiếu phổ thông và đại cử tri ở vòng bỏ phiếu ban đầu. 

Khi đó, có 4 ứng cử viên tranh cử tổng thống, tất cả đều là thành viên của cùng một đảng Dân chủ-Cộng hòa: Andrew Jackson, John Quincy Adams, William Crawford và Henry Clay.

Theo kết quả kiểm phiếu, Andrew Jackson giành được nhiều nhất cả về về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri. Nhưng để đắc cử, thì ứng viên cần phải chiếm hơn một nửa số số phiếu. Với quy định này, Jackson vẫn còn thiếu tới 32 phiếu đại cử tri.

Trong trường hợp không ứng viên tổng thống nào giành được quá bán số phiếu đại cử tri, việc bỏ phiếu sẽ được chuyển lên Hạ viện. Theo Tu chính án 12, Hạ viện sẽ bầu trong số 3 ứng viên có số phiếu cao nhất. Henry Clay bị loại khỏi cuộc đua tiếp theo.

Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, John Quincy Adams lại giành được nhiều phiếu nhất và trở thành Tổng thống, dù ở vòng bỏ phiếu trước đó ông đều ít hơn so với Jackson cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri.

Rutherford B. Hayes (1876)

Tương tự năm 1824, cuộc bầu cử năm 1876 cũng không được quyết định bởi các lá phiếu phổ thông hay đại cử tri, mà là Quốc hội. Nhưng lần này, Hiến pháp lại không có câu trả lời rõ ràng.

Cuộc chạy đua năm đó là giữa Rutherford B. Hayes của đảng Cộng hòa và Samuel Tilden của đảng Dân chủ. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, Tilden giành được 184 phiếu đại cử tri, chỉ thiếu đúng 1 phiếu để đảm bảo quá bán ở thời điểm đó để đắc cử. Hayes chỉ giành được 165 phiếu, nhưng có 20 phiếu khác vẫn gây tranh cãi.

Đảng Cộng hòa bác bỏ kết quả từ các bang Florida, Lousiana, Nam Carolina, và cả 2 đảng đều tuyên bố ứng viên của mình giành chiến thắng ở những bang này.

Vậy tình huống này sẽ được giải quyết như thế nào? Hiến pháp có một kế hoạch dự phòng nếu không ứng viên nào giành đa số phiếu đại cử tri, nhưng lại không có kế hoạch nào để giải quyết bất đồng như thế này.

Vì thế Quốc hội đã thành lập một Ủy ban bầu cử liên bang, gồm các đại diện Hạ viện, Thượng nghị sỹ, và các thẩm phán Tòa án tối cao. Ủy ban này bỏ phiếu quyết định cả 20 phiếu đại cử tri gây tranh cãi thuộc về Hayes -  người giành chiến thắng cuộc bầu cử với cách biệt mong manh nhất: 185-184 phiếu.

Vì sao Ủy ban lại quyết định trao số phiếu cho Hayes dù ban đầu ông thua cả về số phiếu phổ thông cũng như đại cử tri? Hầu hết các nhà sử học đều cho rằng, đã có một thỏa thuận được dàn xếp giữa 2 đảng. Đảng Dân chủ, vốn có căn cứ địa ở miền Nam, đã đồng ý để Hayes trở thành Tổng thống, đổi lại đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ rút toàn bộ binh sỹ liên bang từ các bang thuộc Liên minh miền Nam trước đây.

Benjamin Harrison (1888)

Cuộc đua năm 1888 giữa đương kim Tổng thống đảng Dân chủ Grover Cleverland và đối thủ đảng Cộng hòa Benjamin Harrison bị phủ bóng bởi tham nhũng. Cả 2 đảng cáo buộc nhau đã trả tiền cho cử tri để mua phiếu bầu cho ứng viên của mình.

Khi cuộc đua khó khăn cuối cùng đã kết thúc, Cleveland của đảng Dân chủ thắng lớn ở toàn bộ các bang miền Nam trong khi đảng Harrison của đảng Cộng hòa giành chiến thắng ở các bang miền Bắc và miền Tây, bao gồm cả bang Indiana quê hương của Cleveland với tỷ số cách biệt.

Cleveland nhiều hơn Harrison 90.000 phiếu phổ thông, nhưng ông chỉ giành được 168 phiếu đại cử tri, ít hơn so với 233 phiếu của Harrison.

4 năm sau, Cleveland trở lại và đánh bại Harrison, trở thành Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Mỹ phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.

George W. Bush (2000)

Suốt 112 năm tiếp sau cuộc bầu cử năm 1888, các kết quả bầu cử trở lại với quy luật thông thường khi người chiến thắng số phiếu đại cử tri cũng thắng cả số phiếu phổ thông. Sau đó là cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi gay gắt năm 2000, và quyết định cuối cùng là ở Tòa án Tối cao.

Các ứng cử viên gồm George W. Bush của đảng Cộng hòa và ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ, người từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Vào đêm bầu cử, có 3 tiểu bang có kết quả cực kỳ sít sao: Oregon, New Mexico và Florida. Gore cuối cùng đã thắng Oregon và New Mexico với tỷ lệ cách biệt rất thấp (chỉ 366 phiếu ở New Mexico), và điểm quyết định cuối cùng nằm ở Florida.

Cuộc đua ở Florida sít sao đến mức luật tiểu bang này yêu cầu kiểm phiếu lại. Khi người đứng đầu cơ quan ngoại giao Florida Katherine Harris chứng nhận George Bush là người chiến thắng với 537 phiếu bầu nhiều hơn so với đổi thủ, Al Gore đã khởi kiện và cáo buộc rằng không phải tất cả các lá phiếu đã được kiểm.

Tòa án Tối cao Florida đứng về phía Al Gore, nhưng George Bush đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ - cơ quan cuối cùng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 để đảo ngược quyết định của Tòa án Florida.

Với chiến thắng ở Florida, Bush có 271 phiếu đại cử tri, còn Gore chỉ giành được 266 phiếu, dù nhiều hơn Bush 500.000 phiếu phổ thông.

Donald Trump (2016)

Kết quả bầu cử Tổng thống năm 2016 là một bất ngờ, bởi hầu hết các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chiếm ưu thế rõ ràng.

Tuy nhiên kết quả cuối cùng là ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đánh bại bà Hillary Clinton một cách thuyết phục về số phiếu đại cử tri, dù bà Clinton nhận được nhiều hơn ông Trump tới 2,8 triệu phiếu phổ thông – một con số chênh lệch lớn chưa từng thấy.

Bà Clinton thắng ở các bang đông dân như California và New York. Ông Trump giành chiến thắng sít sao ở các bang chiến địa như Wisconsin (cách biệt 0,8%), Pennsylvania (cách biệt 0,7%) và Michigan (cách biệt 0,2%).

Cuối cùng, dù ông Trump thua số phiếu phổ thông, nhưng ông vẫn đắc cử với 304 phiếu đại cử tri, trong khi bà Clinton chỉ giành được 227 phiếu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bầu cử Mỹ: Những điểm đáng chú ý trong đêm cuối cùng của Đại hội đảng Cộng hòa
Bầu cử Mỹ: Những điểm đáng chú ý trong đêm cuối cùng của Đại hội đảng Cộng hòa

VOV.VN - Tổng thống Trump đã chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng, đồng thời phác họa đối thủ Joe Biden như một mối đe dọa đối với công chúng.

Bầu cử Mỹ: Những điểm đáng chú ý trong đêm cuối cùng của Đại hội đảng Cộng hòa

Bầu cử Mỹ: Những điểm đáng chú ý trong đêm cuối cùng của Đại hội đảng Cộng hòa

VOV.VN - Tổng thống Trump đã chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng, đồng thời phác họa đối thủ Joe Biden như một mối đe dọa đối với công chúng.

Bầu cử Mỹ: Dư luận trái chiều sau bài phát biểu chấp nhận đề cử của ông Trump
Bầu cử Mỹ: Dư luận trái chiều sau bài phát biểu chấp nhận đề cử của ông Trump

VOV.VN - Bài phát biểu chấp nhận đề cử dài 70 phút của ông Trump khép lại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa đã vấp phải những phản ứng trái chiều của dư luận.

Bầu cử Mỹ: Dư luận trái chiều sau bài phát biểu chấp nhận đề cử của ông Trump

Bầu cử Mỹ: Dư luận trái chiều sau bài phát biểu chấp nhận đề cử của ông Trump

VOV.VN - Bài phát biểu chấp nhận đề cử dài 70 phút của ông Trump khép lại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa đã vấp phải những phản ứng trái chiều của dư luận.

Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tung “đòn tâm lý” tấn công đảng Dân chủ
Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tung “đòn tâm lý” tấn công đảng Dân chủ

VOV.VN - “Trung Quốc thích Biden thắng” đã trở thành đòn tấn công mới nhất của đảng Cộng hòa nhằm vào đảng Dân chủ trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tung “đòn tâm lý” tấn công đảng Dân chủ

Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa tung “đòn tâm lý” tấn công đảng Dân chủ

VOV.VN - “Trung Quốc thích Biden thắng” đã trở thành đòn tấn công mới nhất của đảng Cộng hòa nhằm vào đảng Dân chủ trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ 2020.