Cách quân đội Nga thích ứng sau một năm giao tranh với Ukraine
VOV.VN - Những vấn đề tồn tại của NATO bộc lộ rõ qua xung đột giữa Nga và Ukraine. Giai đoạn đầu, Nga lúng túng về nhiều mặt nhưng càng về sau, Nga càng thích ứng tốt với tình hình, đạt được nhiều bước tiến, thực hiện nhiều điều chỉnh về chiến thuật.
Xung đột Nga - Ukraine đã đặt ra dấu hỏi lớn về năng lực của khối quân sự NATO trong việc răn đe một cuộc tấn công từ Nga. Nếu như NATO không thể khôi phục niềm tin của phương Tây vào năng lực quân sự của tổ chức này thì họ có thể sẽ phải dàn xếp các thỏa thuận với Nga có khả năng thay đổi bản đồ châu Âu.
Thực tế chỉ ra, NATO không còn là một tổ chức phòng thủ như ban đầu, mà tổ chức này mở rộng không ngừng, chủ yếu là về phía Đông. Quan điểm của tổ chức này thay đổi sau khi Liên Xô sụp đổ. Giới hoạch định chính sách của NATO quyết định kết nạp vào khối các nước Baltic và Đông Âu, tiến sát biên giới nước Nga.
Khó khăn ban đầu của Nga
Nước Nga trong 10 năm sau khi Liên Xô sụp đổ đã ngưng sản xuất vũ khí đạn dược. Trong thời gian đó, Nga gác sang một bên kế hoạch phát triển vũ khí mới bởi vì họ không có tiền cho việc đó.
Một trong các thành tựu của Tổng thống Nga Putin trong 17 năm cầm quyền là đảo ngược xu thế đó của quân đội Nga. Việc này không dễ. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga khi đó còn rất xa mục tiêu hiện đại hóa.
Cũng mới đây thôi, Nga tỏ ra chậm chạp trong thích ứng với tình hình mới. Vào thời điểm nổ ra Chiến tranh Karabakh lần 2 (vào năm 2020) giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia, người ta đã thấy rõ rằng các vũ khí và chiến thuật mà Nga cung cấp cho Armenia đã khá lạc hậu và không còn hiệu quả. Trên chiến trường, các binh sĩ Armenia đã thất bại liên tiếp và hứng chịu thương vong nặng nề trước các vũ khí hiện đại và lối đánh mới của Azerbaijan.
Nhân tố chính tạo lợi thế cho Azerbaijan là việc họ sử dụng các máy bay không người lái (UAV) vũ trang cảm tử để đánh vào hệ thống phòng không, chốt chỉ huy và các vũ khí hạng nặng của Armenia.
Đến đầu năm 2022, khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, dường như Nga vẫn chưa rút ra nhiều bài học từ cuộc chiến Karabakh 2020. Bên cạnh đó, Nga cũng chưa điều chỉnh được chiến thuật của mình để ứng phó hiệu quả với các vũ khí thông minh bao gồm các tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai.
Những UAV đầu tiên của Nga xuất hiện trong xung đột Ukraine đều khá thô sơ và được chế tạo với chất lượng thấp. Trong khi đó, binh sĩ Ukraine thường xuyên phục kích, làm nổ tung nhiều xe thiết giáp và xe tăng của Nga. Thời kỳ này, Ukraine giành được nhiều sự ủng hộ từ phương Tây dưới hình thức các vũ khí thông minh kèm thông tin tình báo theo thời gian thực, gây tổn thất không nhỏ cho Nga.
Nga xoay chuyển tình thế
Cục diện xung đột thay đổi mạnh vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi Nga đã thích ứng được với tình hình.
Thứ nhất, Nga chuyển sang áp dụng hệ thống phòng ngự chủ động, chủ yếu do tướng Nga Sergei Surovikin thiết kế. Thứ hai, Nga triệt để sử dụng các UAV tấn công thế hệ mới, hỏa lực tập trung và bom trọng trường để giao tranh với quân đội Ukraine.
Nga lựa chọn chiến lược "gây chảy máu" cho Ukraine - điều mà các cố vấn Mỹ và châu Âu của Ukraine đã không lường được khi họ huấn luyện 9 lữ đoàn Ukraine về cách tấn công phòng tuyến Nga ở khu vực Zaporizhzhia.
Cho tới nay, việc Ukraine bị tổn thất lớn về nhân lực và vũ khí khí tài theo cách như vậy đã cho thấy tư tưởng quân sự của NATO có khiếm khuyết. Mức độ hao tổn như vậy theo tiêu chuẩn NATO cũng là khó chấp nhận được.
Một điểm chủ chốt là trong lĩnh vực pháo binh. Các nhà hoạt định của NATO không trù tính được mức độ sử dụng đạn pháo cần cho xung đột ở Ukraine. Để hỗ trợ Ukraine, Mỹ và châu Âu đã cung cấp các quả đạn pháo tầm xa, chủ yếu là đạn 155mm cho nước này. Nhưng nguồn cung của phương Tây vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực sự của Ukraine.
Thời gian qua, cả Nga và NATO đều rơi vào trạng thái thiếu hụt đạn dược, nhưng tình trạng của NATO nặng nề hơn đáng kể so với Nga. Ngày nay, sau khi tăng cường công nghiệp quốc phòng, khối NATO vẫn chưa thể sản xuất được quá 163.000 quả đạn pháo mỗi tháng, trong khi Nga có tiềm năng sản xuất tới trên 350.000 quả mỗi tháng.
Giật gấu vá vai và tình trạng chậm đổi mới
Để giúp Ukraine, Mỹ đã huy động đến cả đạn pháo 155mm dành cho Hàn Quốc và Israel. Điều này được đánh giá là nguy hiểm cho Mỹ vì có thể Hàn Quốc sẽ thiếu đạn nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, còn Israel hiện nay cũng đang rất cần đạn pháo cho cuộc xung đột với Hamas ở Gaza,
Trong khi đó, Nga trông cậy vào các đồng minh là Triều Tiên và Iran - hai nước sản xuất các đạn pháo 152mm (chính xác là 152,4mm) cho lựu pháp kéo và tự hành của Nga. Một thông báo cho hay, Triều Tiên đã gửi cho Nga 500.000 quả đạn pháo, và tổng cộng có thể cung cấp cho Nga tới 2 triệu quả đạn pháo.
Cũng có thông tin cho biết, Nga đang tích trữ đạn pháo của cả Triều Tiên và Iran để dự phòng hoặc chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn ở Ukraine.
Châu Âu cho biết họ cần giữ lại một số đạn dược mà không gửi cho Ukraine vì chính châu Âu cũng có rất ít hoặc không còn đạn để tự phòng thủ. Có một số công ty châu Âu đã đẩy mạnh sản xuất đạn pháo nhưng cũng phải mất vài năm thì họ mới tạo ra đủ số lượng đạn cần thiết.
Tại Mỹ có 6 nhà máy đạn và chính phủ Mỹ đã đầu tư nhiều tỷ USD vào đây để nâng sản lượng lên nhưng các nhà máy này đều sử dụng công nghệ sản xuất cũ và khó thu hút công nhân do điều kiện làm việc khắc nghiệt. Các nhà máy này đều trên 80 tuổi. Phải mất khoảng 3 ngày mới sản xuất được một quả đạn hoàn chỉnh (chưa tính thời gian cần thiết để sản xuất thuốc phóng và ngòi nổ - việc này được tiến hành ở nơi khác).
Nhà máy đạn Iowa (Mỹ) là cơ sở lớn nhất sản xuất đạn pháo 155mm. Nó thuộc Lục quân Mỹ nhưng lại do một công ty tư nhân vận hành. Nhân lực nhà máy gồm 830 nhân viên dân sự và khoảng 25 quân nhân. Hồi thập niên 1960, nhà máy này có tới 13.000 công nhân. Nhà máy không tự động hóa nhưng có sử dụng một số robot cho một số công đoạn nguy hiểm.
Nhà máy đạn Scranton của Mỹ cũng lớn và đã nhận 120 triệu USD để tăng sản lượng nhưng cùng lắm là đến năm 2025 nó mới đạt được mục tiêu này. Dây chuyền sản xuất tại đây cũng khá cũ.
Lục quân Mỹ đầu tư nhiều tiền vào sản xuất đạn pháo nhưng chưa có nỗ lực thực chất nào để nâng cấp công nghệ sản xuất đạn pháo.
Bộ Quốc phòng Mỹ đạt mục tiêu nâng sản lượng đạn pháo 155mm lên mức 80.000 quả/tháng vào năm 2028. Giới quân sự châu Âu thì ít rõ ràng hơn - họ hy vọng sản xuất từ 20.000 - 55.000 quả đạn/tháng “trong tương lai”.
Trong trường hợp xung đột Ukraine lan rộng ra châu Âu hoặc nổ ra xung đột lớn ở những nơi khác thì các con số trên chỉ như muối bỏ biển.
Mà đây mới là câu chuyện đạn dược. Mất 3 ngày để sản xuất một quả đạn pháo 15mm dạng cơ bản. Nếu sản xuất các loại vũ khí thông minh, sẽ phải mất tới 2 năm hoặc hơn.