Chiến dịch Bagration: Đòn hủy diệt của Liên Xô khiến Đức thảm bại năm 1944
VOV.VN - Năm 1941, phát xít Đức là bậc thầy của “chiến tranh chớp nhoáng” (blitzkrieg). Nhưng 3 năm sau, trong Chiến dịch Bagration, cuộc phản công lớn nhất trên Mặt trận phía Đông, chính Hồng quân Liên Xô đã khiến quân Đức nếm trải thứ vũ khí mà họ từng sử dụng để gieo rắc kinh hoàng khắp châu Âu.
Sau chiến thắng quyết định ở Kursk năm 1943, Liên Xô giành lại thế chủ động chiến lược trong cuộc chiến. Cuối năm, Hồng quân đã giải phóng gần như toàn bộ tả ngạn Ukraine, cắt đứt quân Đức tại Crimea khỏi lực lượng chủ lực và tiến vào lãnh thổ Belorussia (Belarus ngày nay). Quân đội Liên Xô đã trưởng thành vượt bậc, không chỉ về kinh nghiệm mà cả về nghệ thuật tác chiến và tổ chức các chiến dịch quy mô lớn.

Đột phá ở Dnieper và Crimea, phá vỡ vòng vây Leningrad
Trận đánh giành hữu ngạn sông Dnieper kéo dài từ tháng 12/1943 đến mùa xuân năm 1944, với sự tham gia của hơn 4 triệu quân từ cả hai phía. Hồng quân Liên Xô đồng loạt tấn công trên nhiều hướng, sử dụng quy mô lớn không quân và lực lượng thiết giáp để đột phá phòng tuyến địch.
Trong chiến dịch Korsun–Shevchenkovsky (còn được gọi là Stalingrad trên bờ sông Dnieper), hai quân đoàn Đức bị bao vây và tiêu diệt. Đến đầu tháng 3/1944, quân Liên Xô đã áp sát biên giới Romania, khiến kế hoạch khôi phục hành lang liên lạc với Crimea của quân Đức hoàn toàn sụp đổ.
Chỉ hơn một tháng sau đó, toàn bán đảo Crimea được giải phóng. Sevastopol, căn cứ chủ lực của Hạm đội Biển Đen, trở lại dưới quyền kiểm soát của Liên Xô. Tập đoàn quân số 17 của Đức bị tiêu diệt, phần lớn không kịp rút lui qua đường biển.
Tháng 1/1944, Chiến dịch Leningrad-Novgorod bắt đầu. Quân Đức bị đẩy lùi 200 km khỏi thành phố quan trọng thứ hai của Liên Xô, buộc phải rút về tuyến phòng ngự Panther dọc biên giới Estonia. Ngày 27/1, sau gần 900 ngày bị vây hãm, Leningrad chính thức được giải vây – một trong những biểu tượng kiên cường nhất của nhân dân Liên Xô.
Chiến dịch Bagration giáng đòn hủy diệt vào quân Đức
Ngày 23/6/1944, Liên Xô mở màn Chiến dịch Bagration, một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất Thế chiến II. Mục tiêu là tiêu diệt Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức tại Belorussia và mở rộng chiến tuyến về phía Ba Lan, tiến đến Warsaw và Đông Phổ.
Với lối đánh bất ngờ, lợi dụng yếu điểm của quân Romania và Hungary ở hai bên sườn, Hồng quân Liên Xô nhanh chóng đột phá phòng tuyến địch, sử dụng xe tăng và không quân đánh vào chiều sâu, chia cắt và bao vây nhiều cánh quân đối phương. Tốc độ tiến công đạt tới 25 km mỗi ngày – một tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu cuộc chiến.

“Nghệ thuật chỉ huy, kỹ năng và lòng dũng cảm của các đơn vị, đã dẫn đến sự sụp đổ của nhóm quân mạnh nhất của Đức ở hướng chiến lược Berlin”, Thống chế Georgy Zhukov kể lại trong cuốn sách “Ký ức và Suy ngẫm” của ông.
Kết quả là hơn 10 sư đoàn Đức bị tiêu diệt ở Vitebsk và Bobruisk, Tập đoàn quân số 4 với 100.000 quân bị bao vây và xóa sổ tại Minsk. Toàn bộ Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, lực lượng mạnh nhất của Đức tại Mặt trận phía Đông, bị nghiền nát. Tổng thương vong của Đức trong Chiến dịch Bagration ước tính lên tới 500.000 người.
“Cái kết đang đến gần. Chỉ còn lại những tàn dư rải rác của 30 sư đoàn thoát khỏi sự hủy diệt và sự giam cầm của Liên Xô”, đó là cách mà Tướng Siegfried Westphal mô tả thất bại của Tập đoàn quân Trung tâm trong Chiến dịch Bagration.
Trong vòng 2 tháng, quân Liên Xô tiến sâu 500 km về phía Tây, giải phóng toàn bộ Belorussia, tiến vào miền đông Ba Lan và áp sát ranh giới Đông Phổ.
Sau đà tiến công dồn dập, quân liên Xô tạm thời dừng lại để củng cố lực lượng.
Ngày 17/7, 57.000 binh lính và sĩ quan Đức bị bắt trong Chiến dịch Bagration đã bị dẫn giải qua các con phố ở Moscow trong một cuộc “diễu hành của kẻ bại trận”.
Năm 1944 cũng chứng kiến hàng loạt đồng minh của Đức Quốc xã lần lượt rời bỏ trục phát xít.
Phần Lan sau nhiều năm giao tranh cầm chừng, bị đẩy lùi về biên giới trước chiến dịch mùa hè của Hồng quân và buộc phải ký thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 19/9. Theo đó Phần Lan cam kết trục xuất tất cả quân Đức khỏi lãnh thổ - điều này cuối cùng đã dẫn đến sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lapland chống lại Đức.
Ngày 23/8, chính quyền Ion Antonescu ở Romania bị lật đổ. Hai ngày sau Romania chuyển phe và chiến đấu cùng Liên Xô chống lại Đức. Dưới sự chỉ huy của Liên Xô, quân đội của họ đã tham gia trận chiến chống lại các đồng minh cũ.
Đẩy lùi quân Đức trên mọi mặt trận
Ngày 8/9, Phương diện quân Ukraina 3 của Liên Xô đã tiến vào Bulgaria mà không gặp phải sự kháng cự. Bulgaria dù không tuyên chiến với Liên Xô nhưng lại hỗ trợ quân Đức về cơ sở hạ tầng. Các bên đã tránh được một cuộc đổ máu. Ngày 9/9, Mặt trận Tổ quốc lên nắm quyền, Bulgaria tuyên chiến với Đức và cùng Hồng quân Liên Xô bắt đầu giải phóng vùng Balkan.
Quân Giải phóng Nhân dân Nam Tư cũng phối hợp hiệu quả và hỗ trợ đáng kể cho Hồng quân Liên Xô tại khu vực Balkan. Ngày 20/10, lực lượng Đồng minh chính thức tiến vào và giải phóng thủ đô Belgrade, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch quét sạch quân phát xít khỏi Nam Tư.
Ở Bắc Cực, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch giải phóng Murmansk, truy kích quân Đức tới tận lãnh thổ Na Uy và chiếm thị trấn Kirkenes vào cuối tháng 10.
Tướng Kirill Meretskov nhớ lại: “Vào lúc 9h sáng ngày 25/10, các đơn vị tiên phong của chúng tôi đã xông vào Kirkenes. Khi tiếng súng lắng xuống, sự im lặng bao trùm. Cư dân của thành phố bắt đầu xuất hiện từ những nơi trú ẩn. Người dân Kirkenes vui mừng chào đón các chiến sĩ Liên Xô. Thật cảm động khi thấy những người miền Bắc thường trầm lặng, trào nước mắt, ôm chầm lấy những người lính giải phóng”.
Cùng thời điểm, quân đội Liên Xô tiến hành các trận đánh ác liệt tại vùng Baltic. Ngày 10/10, Tập đoàn quân số 51 tiến đến bờ biển Baltic gần thành phố Memel, cắt đứt Tập đoàn quân Bắc gồm 400.000 quân ở Courland (tây Latvia) khỏi phần còn lại của lực lượng Đức.
Dù vậy, quân Đức quyết giữ bàn đạp này và biến nó thành một pháo đài bất khả xâm phạm, tiếp tế hoàn toàn bằng đường biển. Mọi nỗ lực tấn công của quân đội Liên Xô nhằm xuyên thủng phòng tuyến của Đức tại đây đều thất bại.
Từng bước tiến đến trung tâm châu Âu
Cuối năm 1944, sau khi tạm dừng tiến công ở Ba Lan để củng cố lực lượng, Liên Xô chuyển trọng tâm sang chiến dịch tại Hungary. Ngày 28/12, quân đội Liên Xô bao vây nhóm quân Đức gồm 188.000 binh sĩ tại thủ đô Budapest. Dù bị vây chặt, quân Đức kháng cự quyết liệt, biến Budapest thành “một Stalingrad mới” với những trận đánh ác liệt từng góc phố, từng căn nhà.
Năm 1944 đánh dấu bước ngoặt lớn: Hồng quân không chỉ đẩy lui phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, mà còn tiến vào trung tâm châu Âu, giải phóng hàng loạt quốc gia Đông Âu, từng bước đập tan hệ thống liên minh của Hitler. “Chiến tranh chớp nhoáng” nay không còn là vũ khí của phát xít, mà trở thành cơn cuồng phong đỏ của một Liên Xô đã trưởng thành sau những năm tháng chiến tranh.