Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử

VOV.VN - Trận Stalingrad giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô được coi là đẫm máu nhất không chỉ trong Thế chiến 2 mà còn cả trong lịch sử nhân loại.

* Ngày 5/4/1942

Kế hoạch của Hitler trong chiến dịch hè thu 1942

Ngày 5/4/1942, trùm phát xít Đức Adolf Hitler ký chỉ thị số 41 – đây là tài liệu hướng dẫn cơ bản đối với các sư đoàn lục quân Đức trong năm 1942. Các mục tiêu chính được vạch ra trong chiến dịch mùa hè là: “Các tập đoàn quân khu vực trung tâm sẽ giữ nguyên vị trí; các tập đoàn quân ở phía bắc sẽ chiếm Leningrad và kết nối với quân Phần Lan, còn các lực lượng ở sườn phía nam sẽ đột phá vào vùng Kavkaz.”

Chiến trường Stalingrad.

Một đặc điểm nổi bật của chiến dịch hè năm 1942 là sự tham gia đáng kể của các lực lượng quân sự đồng minh của Đức, như Romania, Hungary, Italy và Slovakia trong đội hình tiến về sông Volga và ở vùng Kavkaz (thuộc Liên Xô).

*Ngày 28/6/1942 đến 7/7/1942

Trận đánh Voronezh

Sau khi các đơn vị pháo binh và không quân tiến hành pháo kích và oanh tạc dọn đường vào ngày 28/6, các đội hình của Cụm Tập đoàn quân Weichs mở cuộc tấn công nhằm vào cánh trái của Mặt trận Bryansk. Chiến sự nổ ra ở ngoại ô Voronezh vào ngày 4/7. Ngày hôm sau, Sư đoàn Panzer (xe tăng) của Tập đoàn quân Hermann Hoth cắt qua sông Đông và đột kích mãnh liệt vào khu vực phía tây thành phố. Cuộc tiến công diễn ra nhanh đến nỗi Voronezh thất thủ chỉ 3 ngày sau đó, vào hôm 7/7, kết thúc giai đoạn đầu của chiến dịch Đức Quốc xã.

Khoảng 400.000 lính Đức chết trong trận đánh Stalingrad kéo dài hàng tháng trời để chiếm thành phố Nga nằm bên bờ sông Volga. Khoảng 265.000 lính Hungary, Romania, và Italy thuộc các đội quân là đồng minh của Đức đã bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Trận đánh đã làm tiêu tan Tập đoàn quân số 6 của Adolf Hitler, đội quân xung kích bộ binh đáng sợ nhất mà thế giới từng được biết đến. Phía Liên Xô chịu thương vong tới hơn 1 triệu người. Sau trận đánh này, quân Đức chỉ còn giành được một chiến thắng cấp chiến thuật đáng kể nữa, quanh khu vực Kharkov.

*Ngày 7/7/1942-25/7/1942

Chiến dịch phòng ngự của các Phương diện quân Phía Nam và Phía Tây Nam

Vào ngày 7/7, vào lúc cao trào chiến sự gần Voronezh, hai quân đoàn thuộc Tập đoàn quân số 6 của Đức do tướng Friedrich Paulus chỉ huy đã vượt sông Chernaya Kalitva và tiến mạnh về phía đông nam để tới Kantemirovka vào ngày 11/7. Cuộc tấn công khu vực phòng thủ mạnh của Rostov bắt đầu vào sáng 22/7 – quân đội Xô viết đã phải rời khỏi hải cảng Rostov-on-Don vào ngày 25/7.

Chiến dịch phòng ngự của các Phương diện quân Phía Nam và Tây Nam thất bại cộng với việc Hồng quân Liên Xô rút lui về phía nam và đông bắc tạo ra một khoảng trống lớn trong thế trận của Hồng quân và khiến các đơn vị dự bị của họ phải nhập cuộc (cụ thể, 6 trong tổng số 10 đội quân dự bị đã được huy động để vá lỗ hổng nói trên). Ngoài ra, Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô cũng phái một số quân đoàn thiết giáp tới hướng Stalingrad.

*Ngày 17/7/1942-20/8/1942

Các trận chiến trên khúc quanh của sông Đông

Các tập đoàn quân Xô viết dự bị số 62 và 64 hình thành nên tuyến phòng ngự ở khúc quanh của sông Đông đoạn gần sông Volga nhất. Binh sĩ tựa lưng vào bờ cao của con sông. Điều này khiến việc rút lui khó khăn và việc vượt sông gần như là không thể.

Các tay súng nữ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô đối chọi với lính Đức. Ảnh: RT

Quân đội Đức bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 17/7. Các trận chiến diễn ra lâu hơn phía Đức tưởng. Nếu như Tập đoàn quân của Palus không đi Stalingrad thì Cụm Tập đoàn quân A đang tiến về Kavkaz có thể đã bị bao vây. Vì vậy, đội quân của Paulus được tăng viện một cách vội vã bằng lực lượng dự bị, bao gồm Tập đoàn quân Panzer của Goth, đã tiến về Stalingrad từ khúc quanh của sông Đông ở phía nam.

Vào ngày 20/8, binh sĩ Xô viết đã bị đánh bật khỏi bờ tây sông Đông (ngoại trừ khu vực Serafimovich-Kletskaya) và phải di chuyển về bờ đông của sông Đông. Vào thời điểm này, quân Đức Quốc xã chỉ cách Stalingrad khoảng 64km.

*Ngày 28/7/1942

Quân lệnh số 227 “Không lùi dù chỉ một bước”

Mệnh lệnh số 227 được ban ra vào ngày 28/7/1942 sau các chiến dịch ở khu vực phía nam vào tháng 6 và 7. Tên đầy đủ của bản tài liệu này là “Về các biện pháp tăng cường kỷ luật và trật tự bên trong Hồng quân và ngăn ngừa việc tự ý rút lui khỏi vị trí chiến đấu”. Mục đích của quân lệnh này là áp dụng các biện pháp khắc nghiệt để dập tắt tình trạng hèn nhát và ngăn ngừa binh sĩ bỏ vị trí chiến đấu. Các đại đội và tiểu đoàn quân pháp được lập ra để xử lý các trường hợp binh sĩ phạm tội hình sự và quân sự. Quân lệnh này cũng thiết lập các nhóm binh sĩ “đặc biệt” với nhiệm vụ sử dụng mọi phương cách để ngăn các binh sĩ chiến đấu tháo chạy.

*Ngày 21/8/1942-7/9/1942

Loạt trận giữa sông Volga và sông Đông

Vào ngày 21/8, Tập đoàn quân của tướng Paulus chiếm được sông Đông. Vào ngày hôm sau, xe tăng Đức lao về Stalingrad. Việc sơ tán khỏi thành phố vẫn diễn ra. Vào ngày 23/8, cuộc không kích kinh khủng nhất trong cuộc chiến tranh bắt đầu. Trong ngày oanh tạc đầu tiên, 80% số tòa nhà ở đây bị phá hủy. Quân Đức đã sử dụng bom cháy vì có nhiều công trình bằng gỗ và kho dầu ở Stalingrad.

Phi đoàn số 4 đã tiến hành 1.500 phi vụ, ném 1.000 tấn bom xuống thành phố. Khoảng 40.000 cư dân Stalingrad đã thiệt mạng vào riêng ngày 23/8.

Đến 16h ngày 23/8, sư đoàn thiết giáp của Paulus đã tới Stalingrad từ hướng nam nhưng không thể chiếm được ngay thành phố.

Thành phố Stalingrad bị bao vây hoàn toàn. Các Tập đoàn quân số 62 và 64 bị cắt khỏi phương diện quân Stalingrad và chỉ có thể nhận tiếp tế bằng cách tổ chức các cuộc vượt sông Volga. Vào ngày 9/9, sư đoàn súng trường do tướng Alexander Rodimtsev chỉ huy được điều đến tăng cường cho lực lượng bảo vệ thành phố. Vasily Chuikov trở thành tư lệnh mới của Tập đoàn quân 62.

*Ngày 13/9/1942 đến 11/11/1942

Giai đoạn chiến đấu tích cực trong thành phố

Tướng Chuikov đến đại bản doanh Tập đoàn quân số 62 vào ngày 14/9. Cùng ngày đó, quân Đức Quốc xã tấn công dồn dập vào thành phố. Bên tấn công cố gắng chiếm khu vực phía nam thành phố. Tập đoàn quân số 62 bị chia cắt với Tập đoàn quân số 64.

Bộ binh Liên Xô bám trụ trong những đống đổ nát của thành phố Stalingrad. Ảnh: bt.com

Quân đội phát xít tới được sông Volga và bắt đầu tập hợp lực lượng để đánh chiếm khu vực giao lộ ở giữa.

Đêm 15/9, sư đoàn của Rodimtsev bắt đầu vượt sông từ tả ngạn. Phương diện quân Stalingrad tấn công Tập đoàn quân số 6 của Đức ở phía bắc nhằm kéo một bộ phận quân Đức Quốc xã ra khỏi khu vực con sông và ngăn chặn bước tiến của lực lượng dự bị. Vào hôm 29/9, Paulus tiến hành đột kích một lần nữa vào thành phố nhưng các cuộc tấn công đều bị đẩy lui.

Đến ngày 4/10, quân Đức Quốc xã chiếm được ga xe lửa, đẩy bật quân Xô viết về phía sông Volga. Rất may, một lực lượng lính dù Liên Xô do Viktor Zheludev chỉ huy đã kịp thời cứu vãn tình thế.

Đến ngày 14/10, phía Đức lại mở một cuộc công kích mới. Mục tiêu của quân Đức là khu vực nhà máy máy kéo. Quân Đức đã điều động lực lượng lớn với quy mô chưa từng có, gồm 3 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn thiết giáp. Chúng tấn công các vị trí của Hồng quân gần khu vực nhà máy máy kéo, và nhà máy Barrikady dọc theo một tuyến mặt trận dài 4km.

Lính dù của Zheludev cùng với hỏa tiễn Katyusha từ tả ngạn sông đã chặn đứng đà tiến của quân Đức.

Vào hôm 16/10, Sư đoàn 138 do Ivan Lyudnikov chỉ huy di chuyển vào thành phố và một lần nữa giúp ngăn chặn đà tiến của quân Đức. Đến 11/11, quân Đức tiến tới sông Volga gần nhà máy Barrikady, bao vây sư đoàn 138 và chia cắt Tập đoàn quân 62 thành 3 khúc. Sư đoàn của Lyudnikov chiến đấu cật lực để đẩy lui liên tiếp các cuộc tấn công của đối phương trong 6 ngày. Sư đoàn cách bờ sông Volga chỉ còn 60m.

*Ngày 19/11/1942-23/11/1942

Chiến dịch Ural. Hồng quân phản công và bao vây lại quân Đức

Có tới 3 phương diện quân tham gia vào Chiến dịch Ural bao vây Cụm Tập đoàn quân của Đức. Đó là Phương diện quân sông Đông, Phương diện quân Tây Nam, và Phương diện quân Stalingrad. Vào ngày 19/11, pháo binh Xô viết bắn cấp tập mở màn, hạ gục phòng tuyến của quân đội Romania (quân chư hầu của Đức – ND). Cuộc phản kích của quân đoàn thiết giáp số 48 của Đức cũng bị vô hiệu hóa. Các đơn vị Hồng quân xung phong đánh chiếm thị trấn Kalach.

Lính Đức rất "khổ sở" trong chiến dịch ác liệt này. Ảnh: Tumblr.

Ngày 20/11, cuộc tấn công phía nam Stalingrad bắt đầu. Sang ngày 22/11, Hồng quân chiếm được cây cầu bắc qua sông Đông gần Kalach. Ngày tiếp theo, các đơn vị thuộc Phương diện quân Tây Nam đã móc nối được với đội hình của Phương diện quân Stalingrad gần thị trấn Sovetsky.

Tập đoàn quân số 6 (của Đức) bị cô lập. Nguồn nhiên liệu đạn dược và lương thực dự trữ của chúng cạn dần dù Đức cố gắng tiếp tế bằng đường hàng không.

*Ngày 12/12/1942-23/12/1942

Chiến dịch Bão táp Mùa Đông. Manstein cố gắng giải vây cho Paulus

Cụm Tập đoàn quân sông Đông mới thành lập do Thống chế Đức Erich Manstein chỉ huy cố gắng đột phá tới khu vực lính Đức bị bao vây. Chiến dịch này bắt đầu vào ngày 12/12. Thống chế Manstein được tăng viện thêm các đơn vị điều động từ vùng Kavkaz đến. Mất tới 3 tuần để Đức tập hợp đủ lực lượng cần thiết cho chiến dịch này.

Manstein chọn cách tấn công từ phía tây nam thay vì từ hướng tây sẽ nhanh hơn. Điều này khiến các tư lệnh Xô viết bị bất ngờ. Vào ngày 19/12, các đơn vị của Tập đoàn tăng Panzer số 4 gần như chọc thủng phòng tuyến của Hồng quân thì gặp phải Tập đoàn quân Cận vệ số 2 dưới quyền chỉ huy của tướng Rodion Malinovsky được phái đến từ Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô.

Kết quả, quân Đức Quốc xã bị hất ngược về về các vị trí mà chúng chiếm được trước khi Chiến dịch Bão táp Mùa Đông mở màn. Chúng bị mất gần hết xe tăng và hơn 40.000 lính.

*Ngày 16/12/1942-30/12/1942

Chiến dịch Tiểu Thổ tinh

Bộ Tổng Tư lệnh Hồng quân lên kế hoạch, một khi đè bẹp được Tập đoàn quân số 6 của Đức, sẽ điều các đơn vị tham gia vào Chiến dịch Ural sang phía tây và tiến về khu hải cảng Rostov-on-Don tham gia vào chiến dịch Thổ tinh.

Tuy nhiên, do một số mục tiêu của chiến dịch Ural chưa dứt điểm được, nên chiến dịch Thổ tinh đã được thay thế bằng chiến dịch Tiểu Thổ tinh. Kế hoạch tiến chiếm hải cảng Rostov-on-Don bị hủy bỏ.

Đến ngày 16-17/12, thế trận của Đức ở khu vực sông Chir bị đập tan. Các vị trí của Tập đoàn quân số 8 của Italy cùng chung số phận. Tiền tuyến tạm thời duy trì thế ổn định như vậy một thời gian ngắn – hai phe Liên Xô và Đức không đủ lực để đột phá thế phòng thủ chiến thuật của nhau.

*Ngày 10/1/1943 đến 2/2/1943

Chiến dịch Koltso - Kết liễu Tập đoàn quân bị bao vây

Chiến dịch đánh dứt điểm quân Đức bị bao vây có mật danh Kolso (cái vòng). Chiến dịch do Phương diện quân Đông tiến hành với lực lượng tăng viện của 3 tập đoàn quân rút ra từ Phương diện quân Stalingrad đã bị giải thể.

Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân ra tối hậu thư cho quân Đức Quốc xã phải đầu hàng. Họ bảo đảm tù binh sẽ được tha mạng và bảo đảm an toàn. Họ hứa sẽ gửi trả tù binh về Đức hoặc bất cứ nước thứ 3 nào mà tù binh muốn sau khi kết thúc chiến tranh.

Đến ngày 9/1, các quân nhân Liên Xô làm nhiệm vụ cầm cờ trắng đi sang phía Đức đã được phía Đức thông báo rằng quân Đức từ chối đầu hàng.

Đến sáng ngày 10/1/1943, đồng loạt 7.000 khẩu pháo và súng cối nhả đạn trút bão lửa lên mục tiêu dọc theo tuyến mặt trận của Tập đoàn quân 65, bắt đầu tiến quân từ hướng tây. Cuộc tấn công tạm ngừng từ ngày 17-22/1 để chỉnh lại hàng ngũ.

Các cuộc tấn công mới từ ngày 22-26/1 đã cắt Tập đoàn quân số 6 của Đức làm đôi. Cụm Tập đoàn quân phía nam bị tiêu diệt vào ngày 31/1. Bộ chỉ huy và tổng hành dinh Tập đoàn quân số 6 của Paulus bị bắt sống. Đến ngày 2/2, cụm tập đoàn quân phía bắc của Đức đầu hàng nốt. Tổng cộng, 20 sư đoàn Đức cùng với 2 sư đoàn Romania và một trung đoàn lính Croatia chư hầu đã quy hàng quân đội Liên Xô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phương Tây hạ thấp vai trò trận Stalingrad?
Phương Tây hạ thấp vai trò trận Stalingrad?

(VOV) - Nói chung phương Tây có xu hướng xem nhẹ vai trò đi đầu của Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.

Phương Tây hạ thấp vai trò trận Stalingrad?

Phương Tây hạ thấp vai trò trận Stalingrad?

(VOV) - Nói chung phương Tây có xu hướng xem nhẹ vai trò đi đầu của Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.

Hồ sơ mật: Phương Tây nhiệt tình hỗ trợ Hitler tiêu diệt Liên Xô
Hồ sơ mật: Phương Tây nhiệt tình hỗ trợ Hitler tiêu diệt Liên Xô

VOV.VN - Bỏ mặc lời kêu gọi của Liên Xô, phương Tây hỗ trợ cho Hitler bằng nhiều hình thức khác nhau với hy vọng y sẽ phát động chiến tranh tiêu diệt Liên Xô.

Hồ sơ mật: Phương Tây nhiệt tình hỗ trợ Hitler tiêu diệt Liên Xô

Hồ sơ mật: Phương Tây nhiệt tình hỗ trợ Hitler tiêu diệt Liên Xô

VOV.VN - Bỏ mặc lời kêu gọi của Liên Xô, phương Tây hỗ trợ cho Hitler bằng nhiều hình thức khác nhau với hy vọng y sẽ phát động chiến tranh tiêu diệt Liên Xô.

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky
Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

VOV.VN - Nguyên soái Tukhachevsky là một nhà chỉ huy thiên tài, một lý luận gia xuất chúng có đóng góp to lớn vào nền quân sự Liên Xô và thế giới.

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

VOV.VN - Nguyên soái Tukhachevsky là một nhà chỉ huy thiên tài, một lý luận gia xuất chúng có đóng góp to lớn vào nền quân sự Liên Xô và thế giới.

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2
Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

(VOV) - Quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn.

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

(VOV) - Quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn.

Tái hiện trận chiến giải phóng Kiev khỏi quân đội phát xít
Tái hiện trận chiến giải phóng Kiev khỏi quân đội phát xít

VOV.VN - Ít được nhắc đến nhưng chiến dịch Kiev vẫn là một trong những loạt trận đánh quan trọng sau trận Moscow, Stalingrad và Kursk.

Tái hiện trận chiến giải phóng Kiev khỏi quân đội phát xít

Tái hiện trận chiến giải phóng Kiev khỏi quân đội phát xít

VOV.VN - Ít được nhắc đến nhưng chiến dịch Kiev vẫn là một trong những loạt trận đánh quan trọng sau trận Moscow, Stalingrad và Kursk.