Điện thoại thông minh làm thay đổi hoàn toàn báo chí

VOV.VN - Lượng đăng ký mua báo giấy giảm, quảng cáo từ báo giấy đi xuống, các doanh nghiệp báo chí Hàn Quốc loay hoay tìm hướng đi.

LTS:  Cả internet và điện thoại thông minh đã và đang thay đổi diện mạo đời sống thế giới. Làng truyền thông cũng không nằm ngoài ảnh hưởng ấy. Đặc biệt ngành báo giấy đã chịu nhiều tác động mạnh và bị thu hẹp đáng kể ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh…

VOV.VN xin giới thiệu bài tham luận của nhà báo Bae Myung-bok, Đặc phái viên – Thành viên Ban Bình luận thời sự Nhật báo Chungang (Hàn Quốc). Bài tham luận được trình bày ngày 14/5 vừa qua cho thấy những khủng hoảng bên trong ngành báo in Hàn Quốc, đồng thời cung cấp những gợi ý cho chiến lược phát triển báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

***

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ phổ cập smartphone (điện thoại thông minh) cao nhất trên thế giới. Theo tỷ lệ phổ cập smartphone do cơ quan nghiên cứu thị trường Strategy Analytics-SA của Mỹ công bố vào cuối năm 2012 thì tỷ lệ phổ cập smartphone tại Hàn Quốc là 67.6%, đứng số 1 trên thế giới. Tỷ lệ này cao gấp 4,5 lần tỷ lệ phổ cập bình quân trên thế giới là 14.8%. Theo dự đoán tỷ lệ phổ cập smartphone tại Hàn Quốc vào cuối tháng 4/2014 là khoảng 75%. Vậy nên nếu nói ở Hàn Quốc ai cũng sử dụng smartphone trừ trẻ nhỏ và những người rất cao tuổi thì cũng không có gì là quá. Hàn Quốc đã bước vào thời đại "Người di động".

Hàn Quốc là một trong các quốc gia đi tiên phong trong sáng chế, sản xuất và sử dụng điện thoại thông minh (ảnh: technostreak)
Sự phát triển nhanh chóng của smartphone kéo theo sự thay đổi to lớn trong nhiều ngành công nghiệp từ điện cơ - điện tử, công nghệ thông tin truyền thông đến tài chính, phân phối bán lẻ, nghệ thuật giải trí, giao thông, du lịch, xuất bản. Đặc biệt, ngành truyền thông với báo chí, truyền hình, internet đang chịu những ảnh hưởng mang tính cách mạng. Đây vừa là cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho báo chí. Sự phát triển mạnh mẽ của smartphone đã đẩy một phương tiện truyền thông truyền thống là báo giấy vào khủng hoảng nghiêm trọng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Phương thức tiếp cận tin tức của đại chúng chuyển trọng tâm sang di động khiến phương tiện truyền thông analog truyền thống lâm vào bước ngoặt sinh tồn.

Tỷ lệ người đọc giảm sút khiến số lượng báo bán ra giảm một cách nhanh chóng. Do vậy nguồn thu từ quảng cáo cũng giảm sút. Sức ảnh hưởng cũng đang giảm dần.Việc phổ cập internet một cách nhanh chóng là nguy cơ thứ nhất. Việc phổ cập smartphone đang tiếp nối trở thành nguy cơ thứ hai khiến ngành báo chí trở nên khủng hoảng, một hình ảnh hết sức trầm trọng. Các tòa báo ở Hàn Quốc đang bị đánh một cú rất mạnh bởi nguy cơ rằng nếu như việc sản xuất, phân phối nội dung tin tức, cơ cấu lợi nhuận..v,v. không được thay đổi một cách quyết liệt trong thời đại "người di động" thì chẳng bao lâu nữa báo giấy cũng sẽ như loài khủng long đã tuyệt chủng, chỉ còn là một “di vật từ thời cổ đại".

Dù môi trường báo chí của Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau thì việc phát triển của Công nghệ thông tin và smartphone đã khiến cho nguy cơ mà ngành báo chí phải đối mặt về bản chất là giống nhau.Tôi xin trình bày về hiện trạng và bản chất của khủng hoảng ngành công nghiệp báo chí trong thời đại smartphone và chiến lược đối ứng với trọng tâm là kinh nghiệm của Hàn Quốc.

1. Tỷ lệ đăng ký mua báo đọc

Quỹ xúc tiến ngôn luận Hàn Quốc (KPF) hàng năm đều tiến hành điều tra và đưa ra thống kê là tỷ lệ đăng ký mua báo giấy tại Hàn Quốc năm 2013 chỉ đạt 20.4%. Cứ 5 hộ gia đình thì chỉ có 1 hộ gia đình đặt định kỳ hơn 1 loại báo giấy. Nếu so với tỷ lệ đặt báo giấy vào năm 1996 là 69.3% thì sau 17 năm tỷ lệ này đã giảm còn 1/3.

*Sự thay đổi của tỷ lệ đặt báo tại Hàn Quốc

1996

2006

2010

2013

69.3%

40%

29%

20.4%


Nguồn: Quỹ xúc tiến ngôn luận Hàn Quốc (KPF)

Lý do lớn nhất khiến tỷ lệ đặt mua báo giảm một cách nhanh chóng như vậy là bởi số người đọc báo trên mạng tăng nhanh. Đặc biệt là kể từ năm 2009 khi smartphone trở nên phổ biến, việc có thể đọc báo ở bất cứ đâu, một cách tiện lợi, lại miễn phí khiến mọi người không cần phải tìm đến các tờ báo giấy tại văn phòng hay ở nhà nữa. Sinh viên Hàn Quốc, những người trẻ và bây giờ cả lớp dân văn phòng 40-50 tuổi cũng không chăm chỉ đọc báo giấy như trước đây nữa.

Hiện tượng người Hàn Quốc không đọc báo cũng thể hiện ở thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông.Theo điều tra của KPF, thời gian trung bình một người Hàn Quốc dành ra để đọc báo giấy là 12 phút mỗi ngày. Trong khi đó thời gian sử dụng Internet trên PC là 62,2 phút, dùng điện thoại thông minh hay các thiết bị di động như máy tính bảng chiếm 53,7 phút.. Tất nhiên thời gian này bao gồm cả thời gian đọc tin tức, chơi game, xem phim và nghe nhạc. Dù sao cũng có thể thấy rằng so với việc đọc báo giấy thì việc dành thời gian cho internet hay di động vẫn được ưu ái hơn.

Ngoài ra việc Facebook, Twitter, kakao talk và các loại mạng xã hội (SNS) phát triển một cách nhanh chóng khiến thời gian dành cho mạng xã hội là 25,3 phút, nhiều hơn hẳn so với việc đọc báo. Tổng kết lại có thể thấy khủng hoảng báo chí tại Hàn Quốc là do nguyên nhân chính bởi khuynh hướng mới nhất của truyền thông số là SMS, viết tắt của Smart, Mobile, Social (Thông minh, Di động, Xã hội)

*Thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông trung bình theo ngày (đơn vị: Phút)

TV

171,9

Internet PC

62,6

Di Động

53,7

Radio

26,8

Mạng xã hội

25,3

Báo giấy

12

(Điều tra của KPF năm 2013)             

*Thời gian xem tin tức hàng ngày (đơn vị: phút)

TV

56,5

Internet trên PC

16

Di động

14,3

Báo giấy

12

Mạng xã hội

4,2

(Theo điều tra của KPF 2013)

2. Thu nhập từ quảng cáo giảm

Doanh thu từ quảng cáo của 4 phương tiện truyền thông truyền thống là báo, TV, radio, tạp chí bị chững lại hoặc giảm sút trong khi doanh thu từ quảng cáo của các phương tiện mới như báo điện tử, mobile, IPTV... thì tăng chóng mặt mỗi năm.

Nữ sinh Hàn Quốc sử dụng phổ biến smartphone (ảnh: FoxNews)
Theo "Thống kê về ngành công nghiệp quảng cáo của Hàn Quốc" đươc Hiệp hội quảng cáo Hàn Quốc (KOBACO) công bố hàng năm thì năm 2012, doanh thu quảng cáo của 4 loại phương tiện truyền thông truyền thống lớn gồm (TV, báo giấy, phát thanh và tạp chí) là khoảng 3,4 tỷ USD, so với năm trước đó giảm 3.4%. Trong khi đó doanh thu từ quảng cáo của các phương tiện mới gồm (báo mạng, mobile, IPTV) là 3,2 tỷ USD, nghĩa là tăng với mức hai chữ số, hơn 14.3% so với năm trước đó. Năm 2013 thì doanh thu quảng cáo của các phương tiện mới chắc chắn đã vượt qua các loại phương tiện truyền thống.

Doanh thu quảng cáo của báo giấy năm 2012 là khoảng 820 triệu USD, giảm 5,5% so với năm trước đó. Doanh thu đến từ quảng cáo của báo giấy vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trên toàn bộ doanh thu, ước tính khoảng 70%. Doanh thu từ báo bán ra và doanh thu từ mảng online tăng lên không kịp so với doanh thu quảng cáo giảm sút. Doanh thu từ việc bán báo giấy giảm, doanh thu từ online bị chững hoặc tăng rất ít. Do vậy doanh thu từ quảng cáo giảm đương nhiên dẫn đến tổng doanh thu giảm, khiến cho cấu trúc lợi nhuận của ngành báo chí ngày càng khó khăn.

Trong toàn bộ doanh thu của ngành quảng cáo Hàn Quốc, doanh thu từ quảng cáo online khoảng 1,668 tỷ USD, cao gấp đôi doanh thu quảng cáo từ báo chí. Tuy nhiên doanh thu này cũng tập trung vào hai cột trụ chính là hai cổng thông tin điện tử tổng hợp là Naver và Daum. Doanh thu quảng cáo từ phiên bản điện tử của 670 tờ báo giấy tự vận hành chỉ giữ ở mức nhỏ.

*So sánh doanh thu quảng cáo từ các phương tiện chính (2012)

TV

2,890 tỷ USD

Online

1,6681 tỷ USD

Báo chí

820,2 triệu USD

-Nguồn: Hiệp hội quảng cáo Hàn Quốc (KOBACO)

Việc phổ cập điện thoại thông minh khiến cho thị trường quảng cáo trên mobile đang nóng lên. Theo Cơ quan quản lý Internet Hàn Quốc (KiSA) thì doanh thu quảng cáo mobile tại Hàn Quốc vào năm 2013 đạt khoảng 416 triệu USD, tăng 93% cho với năm trước đó. Đặc biệt doanh thu quảng cáo hiển thị như mobile web, app, banner, flash tăng hơn 2 lần từ 90,7 triệu USD thành 200,4 triệu USD. Xu thế này được dự đoán sẽ tiếp tục tiếp diễn và trong một vài năm tới doanh thu từ quảng cáo mobile sẽ vượt qua doanh thu quảng cáo của báo giấy.

3. Việc tính phí xem tin tức còn quá xa vời

Để có thể tồn tại vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp báo chí Hàn Quốc đang xúc tiến hướng đi chiến lược là tính phí xem tin tức online. Tuy nhiên hiện giờ mới chỉ là những bước đi ban đầu. Bởi vì khi những cổng thông tin tổng hợp lớn như Naver, Daum cung cấp thông tin miễn phí thì cũng chẳng có người tiêu dùng nào lại trả tiền để xem tin tức của các tờ báo điện tử khác khi nội dung cũng chẳng có gì khác biệt hơn hẳn.

Để loại bỏ nhận thức là nội dung tin tức là miễn phí thì đường đi còn rất dài. Ngay cả Mỹ và châu Âu, ngoài The New York Times và một vài tờ báo khác ra thì việc tính phí vẫn chưa đạt được những thành công đáng kể.

Vậy nên việc sản xuất ra tin tức có "nội dung khác biệt" với các nội dung tin tức miễn phí khác trên Internet, để người dùng có thể nhẫn nhịn bỏ tiền ra đọc không phải là việc dễ dàng gì. Một vài tờ báo của Hàn Quốc đang tiến hành thu phí nội dung tin tức trực tuyến nhưng cũng vẫn chỉ ở mức độ bắt đầu. Nhật báo kinh tế và báo Kinh tế Seoul đang thu phí mỗi tháng khoảng 14$ để cung cấp dịch vụ báo dưới dạng file PDF. Tờ báo hàng ngày lớn nhất của Hàn Quốc là Nhật Báo Chosun cũng đang cung cấp lần lượt từng phần dịch vụ tính phí của họ từ cuối năm ngoái. Họ tạo ra một trang dịch vụ cao cấp hơn và phải trả tiền mỗi tháng 3000 won để có thể xem được các tin tức ở đây. Nhật báo Neil cũng ngừng toàn bộ dịch vụ nội dung tin tức của họ trên các cổng thông tin và người đọc chỉ có thể trả tiền để xem tin tức duy nhất tại trang chủ của họ. Tuy vậy đến thời điểm này vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của độc giả.

4. Thiếu chiến lược cho mobile

Để có thể đối mặt với khủng hoảng, báo giấy Hàn Quốc nhận thức rằng về lâu dài họ cần phải tính phí đối với nội dung tin tức tuy nhiên thực tế họ vẫn chưa thoát khỏi việc cạnh tranh không giới hạn, tự xẻ thịt bản thân mình. Hiện nay việc cạnh tranh theo dạng abusing nghĩa là cùng một nội dung bài báo, chỉ thay đổi vài từ và đăng lại đã vượt qua khỏi giới hạn có thể chấp nhận. Mặc dù việc cạnh tranh này là để tăng traffic nhưng traffic tăng không có nghĩa là doanh thu quảng cáo online tăng. Đây thực chất chính là việc cạnh tranh đổ máu vô ý nghĩa.

Việc lạm dụng hình thức abusing này thể hiện rõ ngay khi tìm kiếm tin tức trên các công cụ tìm kiếm của Hàn Quốc. Chỉ cần nhập từ khóa vào là hàng loạt bài báo cùng nội dung, khác trang đích xuất hiện khiến cho không thể tìm được bài báo mình cần. Nếu như không chuyển sang phương thức tìm kiếm cluster như Google thì việc cạnh tranh abusing quá độ giữa các trang tin trực tuyến sẽ không thể chấm dứt.

Điện thoại di động đang ngự trị xã hội (ảnh: Telegraph)
Thị trường báo chí trực tuyến đang chuyển dần trọng tâm từ PC sang Mobile một cách nhanh chóng nhưng báo chí hay các công cụ truyền thông online ở Hàn Quốc vẫn chưa thoát khỏi khung nền tảng là PC. Xu thế thế giới đã vượt qua Mobile First mà chuyển sang Mobile Centric nhưng Hàn Quốc vẫn đang giữ trọng tâm là PC. Nội dung tin tức được sản xuất cho báo giấy được đưa nguyên xi lên báo điện tử không thể đáp ứng được nhu cầu tin tức trong thời đại mobile. Do vậy cần phải nỗ lực gia công lại hình thức nội dung tin tức để phù hợp nhất với từng môi trường PC cũng như smartphone, máy tính bảng và các loại platform đa dạng khác.

* Thời gian sử dụng Internet trên PC và Mobile (đơn vị: Phút)

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

PC Internet

69,2

79,2

67,2

62,1

Mobile

16,1

29,5

41,4

53,7

                                                               (Điều tra của KPF)

Mặc dù nhận thức được tính cần thiết phải chuyển sang chiến lược trọng tâm là mobile nhưng báo chí và các phương tiện truyền thông trên Internet của Hàn Quốc vẫn không đủ nhân lực và vật lực. Và kể cả làm được như vậy chăng nữa thì cũng sẽ không phát sinh lợi nhuận ngay. Chỉ khi sản xuất ra những nội dung khác biệt và thành công với chiến lược tính phí khi phân phối những nội dung đó thì mới có thể phát sinh lợi nhuận. Chắc chắn việc này cần thời gian. Thực tế khi năng lực tài chính của báo chí Hàn Quốc giảm do doanh thu quảng cáo giảm sút khiến cho tương lai trở nên mờ mịt hơn thì thì việc đầu tư một cách mạnh mẽ lại càng khó khăn. Đó chính là bản chất của khủng hoảng báo chí Hàn Quốc trong thời đại smartphone.

5. Chiến lược sinh tồn

Với tài nguyên nhân lực có hạn, việc sản xuất nội dung tin tức riêng biệt cho báo giấy, cho PC, cho smartphone, máy tính bảng hay các loại thiết bị di động khác là rất khó khăn. Do đó cần phải thay đổi cơ cấu linh hoạt để có thể gia công, sản xuất nội dung phù hợp với các platform đa dạng từ các nội dung tin tức vốn được sản xuất trọng tâm là cho báo giấy.

Tùy từng đặc trưng của tin tức mà sử dụng đa dạng trên các platform, cần áp dụng mạnh mẽ phương thức “One Source Multi Use” nghĩa là một nội dung tin tức được sử dụng phù hợp trên nhiều platform khác nhau.

Nhật báo Joongang gần đây quả cảm áp dụng thử nghiệm thay đổi nội dung và hình thức tin tức cho phù hợp thời địa mobile. Họ hướng tới nội dung trọng tâm như hình thức tạp chí gọi là Magapaper, vượt qua khỏi hình thức nội dung tin tức cứng nhắc vốn có.

Báo này áp dụng thử nghiệm để cho các nhà báo, người phụ trách làm infographic, thiết kế mỹ thuật, chụp ảnh... tham dự ngay từ quá trình xây dựng nội dung, sản xuất, phân phối để tạo ra các hình thức nội dung đa dạng, dung hợp với ký tự, hình ảnh, video clip, đồ họa để cung cấp cho nhiều platform khác nhau. Việc thực nghiệm và huấn luyện này là để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tính phí xem nội dung.

Dịch vụ cao cấp của Nhật báo Chosun được mở ra như một dàn hợp xướng, theo cái gọi là Snowfall Journalism. Đây là phương thức xây dựng tổng thể một bài báo online trên cơ sở sử dụng chữ viết, flash, video clip, ảnh, âm thanh mà tờ The New York Times là nơi lần đầu tiên áp dụng.

Tuy nhiên cách này cũng mới chỉ sử dụng trên môi trường PC. Phương thức này vẫn chưa thể dùng cho mobile. Đây là cách sản xuất ra nội dung trực tuyến sử dụng thời gian, tiền bạc, nhân lực cần cả lượng và chất để có thể khiến người đọc bỏ tiền ra xem tin tức.

Để có thể thay đổi phương thức sản xuất nội dung thì tổ chức của Ban tin tức thời sự hiện có cũng cần phải thay đổi. Trong thời đại mobile mà tính tương tác được đề cao, cơ cấu của ban tin tức thời sự với trọng tâm là người cung cấp, là ban biên tập tin tức cần chuyển sang trọng tâm là người nhận tin, người sử dụng. Vai trò của phóng viên là vừa săn tin, vừa viết bài, lại phải phù hợp với môi trường online và mobile nên cần thiết phải chuyển sang khái niệm PD (nhà sản xuất). Nhà báo cần phải sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội để trao đổi hai chiều với người đọc, phải kết hợp với mạng lưới các chuyên gia để xây dựng ra những nội dung khác biệt. Mỗi nhà báo cần phải xây dựng thương hiệu riêng của mình để hoạt động, như một hình thức kinh doanh cá thể tư nhân vậy.

Cũng cần phải có nỗ lực áp dụng smartphone để làm tin tức và sản xuất nội dung trong thời đại smartphone. Các hãng báo chí của Hàn Quốc cũng đã có những bài báo được làm trên smartphone, cũng đang áp dụng smart work để tìm kiếm, đăng tải các bài báo của các hãng thông tấn nước ngoài, hợp tác nghiệp vụ... Tuy nhiên cần ứng dụng chủ động hơn nữa để tăng hiệu suất công việc cũng như chất lượng nội dung.

6. Kết luận

Hàn Quốc đang đi đầu trong thời đại smartphone nhưng trong lĩnh vực truyền thông thì vẫn ở trạng thái hỗn độn, vẫn chưa thoát ra khỏi đường hầm dài mịt mù. Đặc biệt báo chí đang ở trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Nếu không thể thích nghi trong thời đại mobile thì báo chí sẽ biến mất. Nếu như không thể tạo ra một mô hình thu phí với nội dung tin tức được sản xuất và phân phối phù hợp với thời đại mobile thì báo chí cũng sẽ biến mất trên đời như khủng long vậy. Đây có lẽ không phải chỉ là vấn đề mà báo chí Hàn Quốc phải đối mặt. Có thể Việt Nam cũng sẽ gặp phải trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không có chuyện báo chí khách quan tuyệt đối
Không có chuyện báo chí khách quan tuyệt đối

(VOV) - Phương Tây thường đề cao tính khách quan báo chí. Song có phải phóng viên luôn có thể khách quan, nhất là theo kiểu phương Tây?

Không có chuyện báo chí khách quan tuyệt đối

Không có chuyện báo chí khách quan tuyệt đối

(VOV) - Phương Tây thường đề cao tính khách quan báo chí. Song có phải phóng viên luôn có thể khách quan, nhất là theo kiểu phương Tây?

Trung Quốc sản xuất nhiều điện thoại thông minh nhất
Trung Quốc sản xuất nhiều điện thoại thông minh nhất

(VOV) - Số lượng các ứng dụng trên thị trường di động trực tuyến của Trung Quốc lên tới 150.000 ứng dụng.

Trung Quốc sản xuất nhiều điện thoại thông minh nhất

Trung Quốc sản xuất nhiều điện thoại thông minh nhất

(VOV) - Số lượng các ứng dụng trên thị trường di động trực tuyến của Trung Quốc lên tới 150.000 ứng dụng.

Đài Loan cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh trong suốt
Đài Loan cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh trong suốt

(VOV) - Chiếc điện thoại dày 0,5cm, chịu được va đập lớn, có khả năng hiển thị hình ảnh ở cả mặt trước lẫn mặt sau.

Đài Loan cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh trong suốt

Đài Loan cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh trong suốt

(VOV) - Chiếc điện thoại dày 0,5cm, chịu được va đập lớn, có khả năng hiển thị hình ảnh ở cả mặt trước lẫn mặt sau.

Làm báo, đừng làm mọi người khinh hãi
Làm báo, đừng làm mọi người khinh hãi

(VOV) - Mới đây con gái của ông Nelson Mandela, lãnh tụ chống chế độ apartheid, đã phải bức xúc gọi truyền thông là ‘kền kền’.

Làm báo, đừng làm mọi người khinh hãi

Làm báo, đừng làm mọi người khinh hãi

(VOV) - Mới đây con gái của ông Nelson Mandela, lãnh tụ chống chế độ apartheid, đã phải bức xúc gọi truyền thông là ‘kền kền’.

Triều Tiên ra mắt điện thoại thông minh
Triều Tiên ra mắt điện thoại thông minh

VOV.VN - Theo KCNA, chiếc điện thoại di động thông minh mang thương hiệu Arirang này do Bình Nhưỡng tự nghiên cứu và phát triển.

Triều Tiên ra mắt điện thoại thông minh

Triều Tiên ra mắt điện thoại thông minh

VOV.VN - Theo KCNA, chiếc điện thoại di động thông minh mang thương hiệu Arirang này do Bình Nhưỡng tự nghiên cứu và phát triển.