Nguy cơ xung đột Nga - NATO gia tăng, châu Âu rầm rộ áp dụng nghĩa vụ quân sự
VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine khốc liệt đã bước sang năm thứ 3 với nguy cơ lan rộng trở thành xung đột giữa Nga và khối NATO. Trong bối cảnh ấy, NATO nói chung và các nước thành viên thuộc châu Âu nói riêng tìm cách nâng mạnh năng lực phòng thủ, triển khai trở lại nghĩa vụ quân sự từng bị bãi bỏ.
Bất ngờ về chiến sự Ukraine, châu Âu thúc đẩy nghĩa vụ quân sự
Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nhiều nước châu Âu hoài nghi khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang lớn tại lục địa này. Nhưng cuộc xung đột đã xảy ra và kéo dài tới hơn 2 năm, chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm. Hiện có thêm một điều nữa ít người nghĩ tới, đó là việc nhiều nước châu Âu triển khai áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine ác liệt, một bộ phận các nước châu Âu đã áp dụng trở lại chế độ nghĩa vụ quân sự hoặc mở rộng việc thực hiện nghĩa vụ này.
Robert Hamilton - người phụ trách nghiên cứu về Á-Âu tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), nói: “Người ta bắt đầu nhận ra rằng phải điều chỉnh cách huy động lực lượng cho chiến tranh, điều chỉnh cách sản xuất khí tài quân sự, cách tuyển và đào tạo tân binh… Làm thế nào để động viên hàng triệu người vào quân đội cho cuộc chiến tranh tiềm tàng, đó là câu hỏi tiềm năng”.
Tướng Wesley Clark, từng là tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, nhận định nguy cơ xung đột Nga - Ukraine lan rộng ra khắp châu Âu đang tăng lên. Ông nói: “Chúng ta phải xây dựng lại năng lực phòng thủ của chúng ta”. Theo ông Clark, nỗ lực này bao gồm cả triển khai chế độ tòng quân bắt buộc.
Thực tế mới trong cách nhìn nhận của châu Âu và NATO
Một số nước châu Âu ngừng nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Thế nhưng gần đây, một số nước - đặc biệt là ở khu vực Scandinavia và vùng Baltic, đã áp dụng trở lại chế độ này. Tại một số nước, công dân không đăng ký nghĩa vụ quân sự có thể đối mặt nguy cơ bị phạt tiền hoặc phải ngồi tù.
Latvia là quốc gia mới nhất thực thi chế độ quân dịch. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại nước này được triển khai vào ngày 1/1/2024 sau khi được bãi bỏ vào năm 2006. Các nam công dân sẽ được đưa vào danh sách gọi nhập ngũ trong vòng 12 tháng kể từ khi bước sang tuổi 18 hoặc sau khi tốt nghiệp nếu vẫn đang trong hệ thống giáo dục.
Hồi tháng 4, Na Uy công bố một kế hoạch dài hạn với mục tiêu đầy tham vọng là tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng và tăng thêm hơn 20.000 lính nghĩa vụ, nhân viên và lực lượng dự bị cho quân đội nước này.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói: “Chúng tôi cần lực lượng quốc phòng đáp ứng được môi trường an ninh hiện nay”.
Chế độ nghĩa vụ quân sự ở Na Uy là bắt buộc. Năm 2015, Na Uy trở thành nước NATO đầu tiên áp dụng lệnh gọi nhập ngũ đối với cả nam lẫn nữ.
Thay đổi lớn về não trạng quân sự
Tranh cãi về chế độ quân dịch đã diễn ra ở các nước châu Âu khác hiện chưa áp dụng chế độ này. Tại Anh, phe Bảo thủ đã nêu ý tưởng nghĩa vụ quân sự trong chiến dịch tranh cử của mình.
Sự chuyển đổi gây ngạc nhiên nhất đang diễn ra tại Đức. Quốc gia này kể từ khi kết thúc Thế chiến II vốn có thái độ dị ứng với xu hướng quân sự hóa.
Năm nay Đức đã cập nhật kế hoạch của họ nếu xung đột bùng nổ ở châu Âu. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trình bày đề xuất về một chế độ nghĩa vụ quân sự tình nguyện mới. Ông này nói: “Chúng tôi phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029”.
Sean Monaghan - một nghiên cứu viên trong chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng đây là bước đi đầu tiên, đồng thời là một quá trình lớn trong chuyển đổi tư duy.
NATO đang đứng trước sức ép phải có được 300.000 quân sẵn sàng được động viên trong vòng một tháng và thêm nửa triệu quân nữa trong vòng 6 tháng, theo Monaghan.
NATO có thể dựa vào lực lượng Mỹ để đáp ứng mục tiêu này. Nhưng các đồng minh châu Âu sẽ gặp khó khăn lớn hơn. Họ sẽ phải tìm thêm các cách mới để có đủ nhân lực cần thiết.
Monaghan cho biết, quân số như trên chỉ cho phép NATO chiến đấu trong thời gian tương đối ngắn là 6 tháng.
Mô hình lực lượng dự bị chiến lược lớn
Giải pháp khác cho EU là mô hình quân đội hiện đại và linh hoạt hơn.
Phần Lan - một trong các nước thành viên của NATO, có năng lực kích hoạt hơn 900.000 quân dự bị động viên, trong đó 280.000 quân nhân sẵn sàng hành động ngay nếu cần thiết. Tuy nhiên, thời bình, lực lượng quốc phòng Phần Lan chỉ sử dụng khoảng 13.000 người, bao gồm cả nhân viên dân sự.
Hamilton thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại cho biết, Phần Lan là ví dụ điển hình về lực lượng dự bị lớn có thể tích hợp vào lực lượng thường trực nhỏ. Phần Lan là nước nằm giữa NATO và Liên Xô nên họ rất chú ý đến phòng thủ.
Na Uy và Thụy Điển (các thành viên mới nhất của NATO) áp dụng mô hình tương tự. Hai nước này duy trì lượng lớn quân dự bị, tuy nhiên không ở mức cao như Phần Lan.
NATO sẵn sàng cho chiến tranh ở mức độ nào?
Liên minh quân sự NATO đã xem xét lại chiến lược của mình, thúc đẩy năng lực phòng thủ trong thập kỷ qua để đối đầu với Nga.
Xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã đặt ra câu hỏi liệu NATO đã sẵn sàng cho xung đột chưa.
Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah nói với CNN: “Kể từ năm 2014, NATO đã trải qua sự chuyển đổi lớn nhất trong phòng thủ tập thể của chúng ta trong cả một thế hệ. Chúng tôi đã triển khai những kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, với hơn 500.000 quân ở mức sẵn sàng cao”.
Mặc dù vậy, vẫn có những lời kêu gọi phải tăng cường năng lực của NATO hơn nữa.
Monaghan cho biết mặc dù NATO “có khả năng chiến đấu ngay lập tức” nhưng vẫn còn đó câu hỏi liệu NATO có sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài tương tự như ở Ukraine thời gian qua. Theo nhà nghiên cứu này, NATO vẫn phải làm nhiều việc trong nhiều mảng để bảo đảm khả năng đó.
Tình hình còn phức tạp hơn nữa cho NATO trong bối cảnh ứng viên Trump có triển vọng lớn tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Ông Trump đã tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Xem thêm:
>> Lựu pháo tự hành Ukraine nổ tung sau khi bị UAV Lancet của Nga tấn công
>> Ukraine xốc lại lực lượng và dồn ép Nga trên Biển Đen
>> Xung đột Ukraine có thể sớm chấm dứt nhờ vào diễn biến mới tại Mỹ và Đức