Elnino có thể kéo dài đến 3 năm, gây hạn hán và bão lớn bất thường
VOV.VN - Từ ngày 13 đến 16/6, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan. Đây là sự kiện trong khuôn khổ năm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai 2023. PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ông Hiệp cho biết Elnino có thể kéo dài tới 3 năm.
PV: Năm 2023, Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, Thứ trưởng đánh giá như thế nào vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: ASEAN là một khu vực phát triển nhanh. Chính vì là khu vực phát triển nhanh nên rất nhiều đang được đặt ra, và là thách thức cho ASEAN. Đó là về môi trường, sự ổn định. Đặc biệt, ASEAN cũng là khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới về thiên tai. Chính vì vậy, việc đoàn kết trong ASEAN và tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước ASEAN cùng một tầm nhìn, một ứng phó là khẩu hiệu hành động chung của ASEAN về phòng chống thiên tai. Năm 2005, ASEAN đã thành lập một Ủy ban Quản lý về rủi ro về thiên tai, gọt tắt là ACDM. Chính ủy ban này sau khi đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả rất lớn trong ứng phó chung của ASEAN.
Năm nay, Việt Nam đang là Chủ tịch của Ủy ban ASEAN về Quản lý về rủi ro thiên tai. Mong muốn lớn nhất của Việt Nam là các nước khu vực ASEAN cùng một tầm nhìn, cùng một hành động và cùng một ứng phó. Như vậy, tất cả các vấn đề đặt ra trong phòng chống thiên tai từ truyền thông nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực, hỗ trợ thông tin và các hành động khi có thiên tai xảy ra thì ASEAN phải tập trung hơn. Với cách nhìn của Việt Nam, chúng tôi cũng rất mong muốn, thông qua những như thế này, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ có một hành động, ứng phó và đặc biệt là có một cam kết mạnh mẽ hơn để ASEAN không chỉ làm tốt công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà còn thực sự là một tổ chức dẫn dắt về quản lý rủi ro thiên tai trên toàn cầu.
PV: Hiện tượng Elnino đang diễn ra và có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu đến các quốc gia Đông Nam Á, Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai có những động thái thế nào để giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Elnino gây ra
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo dự báo của các Đài khí tượng thủy văn, các tổ chức trên thế giới, đặc biệt là của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam, chúng ta cũng đã đưa ra nhận định sơ bộ bước đầu là Elnino có thể kéo dài đến 2 năm, thậm chí có thể kéo dài đến 3 năm. Thậm chí Elnino lần này có thể diễn biến như 2 năm 2015-2016, thời điểm mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN xảy ra hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn bất thường. Đặc biệt quốc gia tổn thương nhiều nhất là Việt Nam và Philippin.
Tại hội nghị lần này, diễn ra rất nhiều hoạt động. Trong đó, ngoài hoạt động đa phương, còn có rất nhiều hoạt động song phương. Các đại biểu cũng tham dự những hoạt động mà Việt Nam đăng cai tổ chức lần này, đó là diễn tập ứng phó với rủi ro diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Trong đó, ứng phó với bão lớn, bất thường và hạn hán. Hiện tượng Elnino sẽ tác động đến mỗi quốc gia ASEAN mỗi khác nhau. Nhưng hiện tại Elnino sẽ dẫn đến 2 câu chuyện. Một là , hạn hán, diễn biến rất rõ ở các quốc gia ASEAN. Hai là nắng hạn nhiều như thế sẽ có những cơn bão, cơn mưa bất thường. Bất thường ở đây là không nhận định được trước và đặc biệt là cường độ sẽ rất lớn. Chính vì vậy, lần này chúng tôi sẽ tập trung thảo luận vào một số bất thường của Elnino.
PV: Trung tâm điều khối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai có cơ chế phối hợp như thế nào để khi xảy ra động đất, sóng thần hoặc cơn bão lớn thì cùng hợp tác, giảm nhẹ rủi ro thiên tai?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng ta có Trung tâm điều khối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (gọi tắt là Trung tâm AHA), đặt tại Philippines. Đây là một mô hình mà các nước ASEAN đã đầu tư rất nhiều. Trong đó, ngoài đóng góp thường niên có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là của Liên hợp quốc. Về phía Việt Nam, chúng tôi cũng đang đề xuất Chính phủ xây dựng một trung tâm như thế này, đặt tại miền Trung, là nơi mà chịu nhiều thiên tai nhất ở Việt Nam.
Đối với quy chế hoạt động của Trung tâm này thì ASEAN đã có quy chế rồi. Nhưng mà chúng tôi đã đề xuất và cũng đã được các nước ASEAN đồng ý. Đó là, Trung tâm này sẽ có kho hàng dự trữ. Kho hàng dự trữ này sẽ có các trang thiết bị, nhu yếu phẩm dự trữ phù hợp vối các hình thái thiên tai ở ASEAN. Thứ hai, khi có bất cứ một thảm họa xảy ra ở 1 quốc gia nào đó thì Trung tâm sẽ điều phối nguồn lực, vật chất, tiền và cả nhân lực nữa để hỗ trợ các quốc gia thành viên. Trung tâm AHA cũng hỗ trợ Việt Nam xử lý các thảm họa thiên tai. Đây là một hoạt động tốt. Tuy nhiên, để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn thì cần có nhiều trung tâm đặt ở nhiều quốc gia khác nhau. Có như vậy, khi xảy ra thảm họa thì chúng ta mới có thể ứng phó tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.