Hòa đàm tại Doha: Con đường đưa Afghanistan đến hòa giải và không còn chiến tranh?
VOV.VN - Cuộc hòa đàm diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar đang rất được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá, giúp sớm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 19 năm qua tại Afghanistan.
Hôm nay (12/9), chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban sẽ bước vào cuộc đàm phán hòa bình lịch sử được chờ đợi từ lâu. Cuộc hòa đàm diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar đang rất được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá, giúp sớm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 19 năm qua tại quốc gia Nam Á đầy bất ổn này.
Cả phái đoàn đàm phán của chính phủ Afghanistan cùng đại diện Taliban đều đang trong tâm thế sẵn sàng cho cuộc hòa đàm lịch sử được mong chờ bấy lâu nay. Chính phủ Afghanistan hy vọng tại vòng đàm phán lần này, hai bên có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn theo ý nguyện của người dân.
Ông Nader Nadery, thành viên nhóm đàm phán của chính phủ Afghanistan nhấn mạnh: "Hôm nay, với hy vọng và sự tự tin, chúng tôi đang hướng tới cuộc đàm phán tại Doha để xây dựng một Afghanistan không còn tiếng súng. Và chúng tôi cũng hy vọng các giá trị của đất nước này sẽ được củng cố, người dân Afghanistan sẽ đạt được sự phát triển về kinh tế mà họ xứng đáng có được”.
Hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban là bước đi quan trọng tiếp theo trong thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban đạt được hồi tháng 2 vừa qua. Mỹ nỗ lực tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa hai bên tham chiến kể từ khi ký một thỏa thuận rút quân với Taliban hồi tháng 2, song quá trình này đã bị ảnh hưởng do sự chậm trễ liên quan tới những bất đồng về việc thả tù nhân.
Phát biểu ngày hôm qua khi đang trên đường tới sự kiện khai mạc ở Doha, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng, dù rằng tiến trình đàm phán có thể khó khăn và kéo dài, song cuộc hòa đàm sẽ là cơ hội lịch sử để có thể chấm dứt cuộc tham chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài. Cũng theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, đây sẽ là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, người Afghanistan ngồi vào cùng bàn với nhau để thảo luận đưa đất nước tiến lên phía trước.
Đáng chú ý, chuyến đi tới Doha lần này của ông Pompeo trùng đúng vào dịp kỷ niệm 19 năm ngày xảy ra vụ tấn công 11/9 nhằm vào Mỹ khiến quân đội Mỹ mở cuộc chiến tại Afghanistan chống lại Taliban.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Có một loạt cam kết mà Taliban đã đưa ra, chúng tôi kỳ vọng rằng họ sẽ thực hiện theo đúng cam kết của mình. Còn chúng tôi cũng sẽ thực hiện cam kết giảm lực lượng quân đồn trú xuống còn 0 với điều kiện họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng thỏa thuận”.
Hiện mọi sự chú ý đang đổ dồn vào những tiến triển có thể đạt được từ cuộc hòa đàm tại Doha. Theo nhận định của giới quan sát, đàm phán có lẽ là giải pháp thực tế duy nhất giúp chấm dứt cuộc xung đột vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 dân thường và cản trở sự phát triển của đất nước Afghanistan, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Afghanistan Deborah Lyons khẳng định: “sẽ không tìm thấy bất kỳ giải pháp nào trên chiến trường” và “đàm phán sẽ giải quyết một loạt các câu hỏi sâu sắc rằng người dân Afghanistan mong muốn đất nước họ như thế nào”.
Giới ngoại giao và không ít các nhà phân tích chính trị, quân sự cũng cho rằng, dù chỉ riêng việc đưa cả hai bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán đã là một thành tựu, song điều đó không có nghĩa là con đường đi đến hòa bình sẽ dễ dàng. Một thực tế phải thừa nhận, chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn bất đồng về nhiều vấn đề liên quan đến lệnh ngừng bắn, quyền của phụ nữ và việc tham gia vào chính phủ. Điều này có thể tạo ra những rào cản không nhỏ cho tiến trình đàm phán đi tới chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ.
Theo nhiều chuyên gia, một lệnh ngừng bắn - mà Taliban vẫn bác bỏ - nên được đặt ưu tiên lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán lần này. Bởi lẽ các cuộc tấn công bạo lực vẫn tiếp diễn nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường Afghanistan, sẽ tiếp tục làm suy giảm bầu không khí hòa đàm và thậm chí có thể khiến các cuộc đàm phán đi chệch hướng. Cũng có không ít các ý kiến cho rằng, cần thiết để chính quyền Kabul phải có hành động dứt khoát để đưa Taliban, vốn bác bỏ tính hợp pháp của chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn vào khuôn khổ thỏa thuận quản lý hay tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ quyền của phụ nữ và dân tộc thiểu số vốn chịu sự cai trị của Taliban, vì đây đều là những thách thức lớn ngăn cản đất nước Afghanistan tiến gần hơn tới viễn cảnh “một Afghanistan hòa giải và không có chiến tranh”./.