Học thuyết hạt nhân Nga: Sự minh bạch mang nhiều thông điệp

VOV.VN -Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia Liên bang Nga.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia Liên bang Nga. Đây là lần đầu tiên Nga công bố công khai văn bản dạng này. Một sự minh bạch cần thiết hàm chứa nhiều thông điệp đối với các đối thủ tiềm tàng của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin.ru)

Sắc lệnh mới được công bố xác định điều kiện, đối tượng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga. Sắc lệnh được cho là một sự minh bạch cần thiết, phát đi tín hiệu đối với các đối thủ tiềm tàng của Nga, đặt biệt trong bối cảnh các cơ chế kiểm soát vũ khí mà Nga tham gia đã bị huỷ bỏ hoặc có nguy cơ huỷ bỏ. Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), sau đó Nga cũng đỉnh chỉ Hiệp ước này. Trong khi đó, số phận của Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất giữa Mỹ và Nga là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-3 (được ký năm 2010, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021), vẫn còn chưa rõ ràng, khi mới đây Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở”, mà Nga một thành viên. Động thái làm dấy lên khả năng Mỹ sẽ từ chối gia hạn START-3.

Với sắc lệnh này, quân đội Nga sẽ có quyền giáng trả bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào vào nước này, cũng như có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của chính quyền.

Việc công bố văn bản này là tín hiệu cảnh báo tới Mỹ, phản ánh những lo ngại của Nga về sự phát triển của vũ khí tương lai của Mỹ có năng lực tấn công các cơ sở quân đội và chính phủ chủ chốt mà không cần sử dụng tới vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, việc Mỹ triển khai lực lượng thông thường gần biên giới Nga, đẩy mạnh triển khai lá chắn tên lửa và vũ khí trong không gian là những mối đe dọa mà Nga đang phải đối mặt. Nga sẵn sàng đáp trả những quốc gia nào cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga, đặc biệt là các quốc gia sát biên giới Nga.

Theo chuyên gia nghiên cứu quân sự Trường kinh tế cao cấp Vasily Kashin, Nga chưa từng công bố các tài liệu tương tự trong quá khứ, kể cả những năm đầu sau cuộc khủng hoảng tại Ucraina, thời điểm mà quan hệ  Nga - Mỹ lao dốc. Còn đến hiện tại, quan hệ Nga - Mỹ đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất và đã dần ổn định, mặc dù ở mức cực kỳ thấp và dự báo sẽ duy trì trong một thời gian dài.

Ngoài ra, thời điểm công bố sắc lệnh này, có thể Nga đã cảm thấy không thể tránh khỏi nguy cơ sụp đổ của các cơ chế kiểm soát vũ khí hiện có và sự trở lại của chính sách toàn cầu liên quan vũ khí chiến lược trong thời kỳ hỗn loạn của những năm 1950 và 1960.

Theo ông Vasily Kashin, thực tế tình hình hiện nay có thể còn tồi tệ hơn trong những thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh. Trong thời đại đó, có hai siêu cường hạt nhân và bây giờ đã có thêm Trung Quốc. Theo ước tính của Mỹ, các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc sở hữu khoảng 300 đầu đạn, tương đương với Pháp, nhưng tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc đáng kể hơn nhiều, có khả năng tăng ít nhất gấp đôi số lượng đầu đạn vào năm 2030. Mỹ có thể ứng phó với tình hình mới với việc gia tăng sức mạnh của lực lượng hạt nhân, khi sử dụng các lợi thế kinh tế và kỹ thuật độc đáo của mình.

Còn đối với Nga, trong trường hợp không có triển vọng duy trì kiểm soát vũ khí, việc sự minh bạch tối đa về vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh quốc gia trở nên cần thiết. Điều này cho phép giảm mức độ không chắc chắn hiện nay và thiết lập một khuôn khổ cho cuộc đối thoại về chủ đề này trong tương lai. Còn hiện tại, Nga muốn duy trì vai trò của vũ khí hạt nhân như một công cụ để giảm leo thang bằng cách duy trì tiềm năng răn đe thay vì sử dụng vũ khí hạt nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên