Hội nghị an ninh Munich 2009

Hội nghị chính thức khai mạc ngày 6/2 tại Đức. Hàng chục nhà lãnh đạo cùng 50 nhà ngoại giao hàng đầu và quan chức quốc phòng của các nước dự hội nghị.

Khác với những năm trước khi Mỹ chỉ cử Bộ trưởng Quốc phòng, năm nay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dự hội nghị. Giới chức Nhà Trắng cho biết sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Obama muốn hàn gắn các vết rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu, bắt nguồn từ việc cựu Tổng thống Bush quyết định can thiệp vào Iraq từ năm 2003. Về phía châu Âu, đây là dịp để họ đưa ra các đề xuất của mình về các vấn đề an ninh quốc tế.

Hội nghị tập trung thảo luận về chương trình hạt nhân Iran, vấn đề an ninh tại Afganistan, kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nga Sergey Ivanov có những phát biểu cứng rắn thể hiện quan điểm của Nga về các vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay. Liên quan tới việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu, Phó Thủ tướng Nga Ivanov cho rằng, kế hoạch này là nhằm kiềm chế tiềm năng hạt nhân của Nga, đồng thời khẳng định, việc Mỹ đơn phương triển khai kế hoạch này mà không tính đến lợi ích của các bên liên quan là không thể chấp nhận và sẽ gây thêm căng thẳng trong khu vực và an ninh toàn cầu. Nga cũng cam kết không triển khai các tên lửa đánh chặn tại Kaliningrad, nếu Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.

Cũng tại Hội nghị, ông Ivanov đề xuất cấm triển khai các tên lửa tấn công chiến lược bên ngoài lãnh thổ quốc gia của mỗi nước, tiến tới cấm toàn diện các vụ thử hạt nhân; kêu gọi Mỹ và các bên liên quan tích cực đàm phán ký kết thoả thuận mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.