Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Tuyên bố chung

Hai chủ đề được Hội nghị đặc biệt quan tâm là vấn đề bền vững tài khoá và đẩy mạnh giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính cho người dân.  

Trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ngày 30/8 tại Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19 dưới sự chủ toạ của Bộ trưởng Tài chính Liên bang Nga Anton Siluanov.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19

Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế và đại diện của một số tổ chức kinh tế tài chính khu vực.

Đây là sự kiện quan trọng nhất trong tiến trình hợp tác của các Bộ trưởng Tài chính APEC nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra vào đầu tháng 9/2012. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đã tham dự hội nghị.

APEC đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất ổn. Hầu hết các đầu tầu kinh tế thế giới đều tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, trong khi cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro đang tiếp tục tác động bất lợi tới tăng trưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thị trường tài chính tiếp tục mong manh, trong khi thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ cao ở một số nền kinh tế phát triển đang là cản trở lớn cho sự phục hồi kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2012 chỉ đạt 3,5% so với dự báo tốc độ tăng trưởng 3,9% của năm 2013. Các nền kinh tế đang nổi lên trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ dự kiến cũng có mức tăng trưởng chậm hơn năm 2011 (Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ còn 8,0% so với 9,2% của năm 2011, Ấn Độ là 6,1% so với 7,2% của năm 2011). Tuy nhiên, khu vực ASEAN vẫn được coi là khu vực kinh tế năng động. Nhóm 5 nước ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) dự kiến sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 5,4% (so với 4,5% của năm 2011).

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính tiếp tục cho rằng, mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng được đặt ra từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Washington năm 2009 là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với các kết luận của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Los Cabos (Mexico) cuối tháng 7 vừa qua. Điều này cho thấy, sự kết nối chặt chẽ giữa G20 và APEC, đặc biệt trong các vấn đề tài chính như tăng cường tài chính công và định hướng tỷ giá linh hoạt.

Hai chủ đề được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị lần này là vấn đề bền vững tài khoá và đẩy mạnh giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính cho người dân.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính công tại khu vực đồng euro đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề bền vững tài khoá một lần nữa trở thành chủ đề nóng trong các phiên làm việc của các Bộ trưởng Tài chính. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã có một phiên họp riêng để thảo luận về chủ đề này.

Bên cạnh nguyên nhân thâm hụt ngân sách tăng cao và kéo dài làm suy giảm tính bền vững ngân sách, một nguyên nhân khác được các Bộ trưởng tập trung thảo luận là vấn đề nợ của khu vực tư nhân. Các Bộ trưởng cho rằng, mức nợ cao của khu vực tư nhân và khu vực ngân hàng đang là nguy cơ tiềm ẩn đối với bền vững ngân sách. Kinh nghiệm gần đây đã cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng, nợ khu vực tư nhân bao gồm cả các khoản nợ của các tổ chức tài chính, có thể chuyển đổi thành nợ công, làm gia tăng gánh nặng nợ của khu vực công.

Các Bộ trưởng đề xuất cần tăng cường giám sát chặt chẽ những rủi ro phát sinh từ gánh nặng nợ quá cao của khu vực tư nhân. Ngoài ra, vấn đề già hoá dân số cũng là một trong những nguyên nhân cần được tính đến trong các phân tích về bền vững ngân sách.

Giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị lần này, thể hiện ở việc các Bộ trưởng đã có một tuyên bố chính sách riêng cho chủ đề này. Trong bối cảnh hệ thống tài chính phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp, các dịch vụ tài chính đang len lỏi vào đời sống của mỗi hộ gia đình, việc trang bị các kiến thức tài chính căn bản cần thiết là điều không thể thiếu, không chỉ giúp người dân có được những quyết định đúng đắn đối với các tài sản tài chính của mình, mà còn giúp họ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ và rủi ro tài chính.

Tại nhiều nền kinh tế có hệ thống tài chính phát triển, việc xây dựng các Chiến lược quốc gia về Phổ cập nhận thức tài chính đã được thực hiện, nhằm thống nhất các mục tiêu và hành động, đồng thời giúp sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xây dựng bản Chuẩn mực cấp cao về Chiến lược Quốc gia về Phổ cập Giáo dục Tài chính, mới được các nhà Lãnh đạo G20 thông qua tại Hội nghị Los Cabos vừa qua như một chuẩn mực hướng dẫn và đánh giá việc xây dựng và triển khai các chiến lược quốc gia về giáo dục và phổ cập nhận thức tài chính tại các quốc gia trên toàn cầu.

Việc đưa các kiến thức và kỹ năng tài chính vào giáo dục trong nhà trường cũng được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của tiến trình phổ cập kiến thức tài chính cho cộng đồng. Chương trình Khảo sát Sinh viên Quốc tế (PISA) của OECD hiện đang được thực hiện tại hơn 70 quốc gia, trong năm 2012 cũng đã đưa thêm cấu phần Đánh giá Kiến thức Tài chính nhằm có được những đánh giá toàn diện về việc trang bị các kiến thức tài chính cho học sinh và sinh viên. Các Bộ trưởng khuyến khích việc xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục và phổ cập nhận thức tài chính và đưa việc giáo dục kiến thức tài chính vào chương trình giảng dạy tại các trường học phổ thông tại các nền kinh tế thành viên APEC phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thông qua Tuyên bố chung và nhất trí sẽ nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 20 tại Bali, Indonesia vào tháng 9/2013./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên