Iran phóng tên lửa dồn dập tấn công Israel: Đâu là ranh giới cuối cùng?
VOV.VN - Cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào lãnh thổ Israel trong đêm 1/10 tiếp tục kéo hai quốc gia này vào vòng xoáy "ăn miếng trả miếng", sau hai tuần leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Câu hỏi mà giới quan sát đang đặt ra hiện nay là: Liệu cuộc tấn công này có phải là khởi đầu của một chuỗi giao tranh mới giữa Israel và Iran hay không?
Khi thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ máy nhắn tin ở Beirut khiến hàng trăm người bị thương và thiệt mạng, Israel tiếp tục tăng nhiệt xung đột bằng các cuộc không kích dồn dập về phía Lebanon. Đỉnh điểm trong xung đột là vụ ném bom ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 27/9, kéo theo hàng loạt đợt tấn công công đáp trả bằng tên lửa của Hezbollah vào các vị trí của Israel ở biên giới phía Bắc, cùng với tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến với Israel.
Không dừng lại ở đó, sáng 1/10, quân đội Israel xác nhận đã vượt biên vào Lebanon. Và Hezbollah tuyên bố "sẵn sàng" trước mọi hành động quân sự tiếp theo của quốc gia Hồi giáo này.
Ông Jonathan Panikoff, cựu sĩ quan tình báo Mỹ từng nghiên cứu về Trung Đông cho biết, vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah đã làm thay đổi cục diện quyền lực trong khu vực.
"Rõ ràng là có điều gì đó đã thay đổi trong tính toán của Israel. Đây thực sự là đỉnh điểm của nỗ lực kéo dài hai tháng nhằm loại bỏ những chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah. Israel gần như chắc chắn đã làm được điều đó. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn rõ ràng là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?", ông Panikoff đặt ra câu hỏi.
Và câu hỏi đã có sau cuộc tấn công của Iran vào lãnh thổ Israel trong đêm 1/10. Tehran đã bắn khoảng 200 tên lửa đạn đạo và rocket trực tiếp vào lãnh thổ Israel, tuyên bố rằng đây là hành động đáp trả vụ giết hại Nasrallah và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Các quan chức Israel hiện vẫn đang đánh giá tình hình thiệt hại. Tuy nhiên, có vẻ như các hệ thống phòng không thường được ca ngợi như Iron Dome, Arrow và David's Sling dường như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Một số ý kiến cho rằng sự thay đổi trong cách tiếp cận của Israel đã đẩy Tehran vào đường cùng và buộc phải đáp trả. Các nhóm ủy nhiệm của Iran là Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon đã bị suy yếu sau gần 1 năm liên tục giao tranh và cùng với đó, ảnh hưởng của Iran trong khu vực cũng giảm sút. Trong bối cảnh ấy, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đứng trước hai lựa chọn: nhắm mắt làm ngơ, hoặc tìm cách giành lại vị thế ở Trung Đông.
Tháng 4 vừa qua đánh dấu lần đầu tiên Iran đã tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel. Đây được xem hành động trả đũa vụ tập kích lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria, khiến ít nhất bảy sĩ quan cấp cao thiệt mạng mà Tehran nghi do Tel Aviv thực hiện. Trong màn đêm, hàng trăm tên lửa rơi như mưa xuống lãnh thổ Israel. Mỹ, nước láng giềng Jordan và hệ thống phòng không của Israel đã đảm bảo phần lớn trong số chúng không phá hủy các cơ sở hạ tầng bên dưới và làm bị thương người dân của nước này.
Vài tháng sau, Israel tiếp tục ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Iran và chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Fuad Shukr tại Beirut. Cả hai vụ việc đều khiến Iran thề sẽ trả thù.
Hezbollah đã trả đũa riêng rẽ bằng cách tăng cường các cuộc không kích sâu hơn vào Israel trong khi Iran vẫn kiềm chế.
Theo ông Avi Melamed, cựu quan chức tình báo Israel từng là cố vấn về vấn đề Ả Rập cho hai thị trưởng Jerusalem, sự im lặng của Iran là một trong những lý do khiến Israel quyết định "lấn tới".
"Israel đã quyết định rằng đây là thời điểm và cơ hội thích hợp để nghiêm túc giải quyết mối đe dọa lớn nhất mà nước này phải đối mặt trong vài thập kỷ qua. Và đó chính là Hezbollah", ông Melamed nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Holly Dagres, thành viên cấp cao không thường trú chuyên về Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: "Hezbollah luôn là một trong những lực lượng phòng thủ chính của Iran. Cùng với việc lực lượng này bị suy yếu và Iran cho đến tận hôm nay vẫn chưa phản ứng, đã có rất nhiều lời bàn tán rằng Hezbollah đã bị Tehran bỏ rơi".
Sau cuộc tấn công của Iran vào tháng 4, Mỹ đã kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng và nói với Israel rằng "hãy giành chiến thắng" bằng cách bắn hạ hầu hết các tên lửa và máy bay không người lái được bắn về phía họ.
Nhưng Israel đã đáp trả. Họ chỉ bắn một tên lửa. Nhưng nơi tên lửa được phóng đến mới là vấn đề lớn: một địa điểm hạt nhân của Iran. Dù xung đột trực tiếp giữa hai nước vẫn tiếp diễn bằng các vụ ám sát và tấn công ủy nhiệm nhưng giới quan sát cũng không loại trừ khả năng vũ khí hạt nhân sẽ xuất hiện trong các cuộc đụng độ giữa hai bên.
"Nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng hạt nhân Iran là đặc biệt cao vì lá chắn phòng thủ Hezbollah của Iran đang bị đe dọa" - ông Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group nói.
Ông Vaez cũng nói thêm, bất kể Israel có nhắm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân hay các cơ sở quân sự của Iran thêm một lần nữa hay không, một phản ứng lớn của Israel vẫn có thể khiến xung đột tiếp tục leo thang và lan rộng.
Ngày 2/10, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng liên quan đến vụ Iran tấn công tên lửa vào Israel, Tổng thống Biden khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Israel hết mình. Cùng ngày, người phát ngôn quân sự cấp cao của Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cũng mô tả cuộc tấn công này là "nghiêm trọng và nguy hiểm".
"Cuộc tấn công này chắc chắn sẽ có hậu quả", ông Hagar nhấn mạnh.
Trong hai tuần leo thang căng thẳng, nhiều nhà quan sát nhận định rằng, cuộc tấn công này khó có thể là lần cuối cùng Iran tấn công Israel.