Lầu Năm Góc nói gì khi ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia?
VOV.VN - Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chưa thể xác định một bức tường biên giới với Mexico có phải là một nhu cầu quân sự cấp thiết hay không.
Tổng thống Trump hôm 15/2 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động ngân sách xây dựng bức tường biên giới mà bỏ qua sự đồng thuận của Quốc hội.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (giữa). Ảnh: Washington Post. |
Với quyết định này, nhà lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng quỹ của Bộ quốc phòng để xây bức tường biên giới mà ông từng cam kết sẽ xây dựng trong thời gian tranh cử.
Theo luật pháp Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng phải quyết định bức tường có cần thiết về mặt quân sự hay không trước khi Tổng thống huy động tiền từ ngân sách xây dựng quân đội.
"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định nhưng đã xác định được các bước để đưa ra quyết định", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết và nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách trong quân đội đã hoàn thành các phân tích ban đầu và ông sẽ bắt đầu xem xét nó trong ngày 17/2.
Một số nguồn tin trước đó cho rằng Tổng thống Trump sẽ tìm cách lấy 600 triệu USD từ quỹ tịch thu ma túy của Bộ Tài chính, 2,5 tỷ USD từ chương trình can thiệp ma túy của Bộ Quốc phòng và 3,6 tỷ USD từ ngân sách xây dựng quân đội để phục vụ cho việc xây dựng bức tường biên giới cùng với khoản ngân sách 1,4 tỷ USD mới được Quốc hội phân bổ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết ông Shanahan sẽ nhóm họp với các quan chức Bộ quốc phòng trong những ngày tới để lựa chọn các dự án cụ thể liên quan tới số tiền mà Lầu Năm Góc phải chi cho bức tường biên giới. Vị quan chức này nói thêm rằng căn cứ vào những phân tích ban đầu, ông Shanahan sẽ đồng ý thông qua 3,6 tỷ USD mà Tổng thống Trump dự định lấy từ ngân sách xây dựng quân đội.
Tổng thống Trump khẳng định việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường biên giới sau khi quốc hội từ chối khoản ngân sách 5,7 tỷ USD mà ông yêu cầu cho bức tường này là để bảo vệ đất nước khỏi ma túy, tội phạm và làn sóng di cư bất hợp pháp, các mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Đảng dân Chủ nhìn nhận hành động này của ông Trump là lạm quyền, vi phạm Hiến pháp. Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ trong khi đó tuyên bố đã mở một cuộc điều tra liên quan tới quyết định trên.
2 bang đông dân nhất nước Mỹ là California và New York hôm 15/2 cũng khẳng định sẽ có hành động pháp lý chống lại việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Cùng với đó, 3 chủ đất ở bang Texas đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump với cáo buộc bức tường mà ông định xây dựng xâm phạm quyền sở hữu đất của họ./.