Lo lắng về biến thể Covid-19 mới lan rộng, nhiều nước siết chặt kiểm soát biên giới
VOV.VN - Bên cạnh sự gia tăng đột biến của các ca mắc mới, sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến giới chức y tế nhiều nước lo ngại, nhất sau cảnh báo mới đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson về biến thể mới độc lực cao hơn.
Trước nguy cơ biến thể mới sẽ lan rộng trước khi phần lớn người dân đã được tiêm ngừa, nhiều nước đã tăng tốc các chiến dịch tiêm phòng, song song với việc thắt chặt các quy định phòng ngừa, cũng như kiểm soát biên giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lây lan ra 60 nước và vùng lãnh thổ. Anh hiện là nước có tỷ lệ tử vong hàng ngày trên dân số cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và gấp khoảng 2 lần so với Mỹ. Ngày 20/1 vừa qua là ngày chứng kiến số ca ca tử vong mới do Covid-19 tại nước này cao kỷ lục, với hơn 1.800 trường hợp. Ngày tiếp theo, con số này là cũng xấp xỉ 1.300.
Số bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện ở nước này đang vượt quá mức đỉnh điểm từng được ghi nhận hồi tháng 4/2020. Giải thích cho bi kịch số ca tử vong hàng ngày quá cao, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây cho rằng, biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Tuy nhiên, mặt khác nhà lãnh đạo Anh cũng nhấn mạnh, các bằng chứng đều cho thấy cả hai loại vaccine đang được sử dụng trong nước đều có hiệu quả đối với cả những biến thể cũ và mới: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng, ngoài việc lây truyền mạnh hơn, còn xuất hiện một số bằng chứng cho thấy, biến thể mới tại Anh có thể liên quan quan đến mức độ tử vong cao hơn. Điều này cũng khiến hệ thống y tế quốc gia phải chịu áp lực lớn hơn. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải luôn cảnh giác để tôn trọng các quy định, để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia và cũng có nghĩa là bảo vệ các mạng sống.”
Giới chuyên gia về sinh học tiến hóa không bất ngờ trước biến thể mới, bởi đây là cách hoạt động thông thường của các loại virus. Tuy nhiên, một chủng virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn lại có thể gây nguy hiểm vì khiến hệ thống y tế quá tải như tại Anh hiện nay.
“Tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia” hay “thắt chặt kiểm soát biên giới” đang là lựa chọn mà nhiều nước tiến hành, coi đây như giải pháp trước mắt để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới. Tại Đức, cảnh sát liên bang hôm qua bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới sau khi chính phủ nước này đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao. Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất thiết lập “một vùng đỏ” để kiểm soát những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm trên khắp châu Âu, cùng với sự lan truyền của các biến thể mới. Để xác định những khu vực có nguy cơ cao, chúng tôi nghĩ cần thiết lập một vùng màu đỏ sẫm, khoanh vùng những nơi dịch bệnh đang lây truyền mạnh. Và vì tình huống y tế khẩn cấp này, cần phải hạn chế mạnh mẽ tất cả các chuyến du lịch không thiết yếu.”
Trong khi đó, một số nước đang cân nhắc cách thức tận dụng tối đa nguồn cung vaccine đang rất hạn chế để tiêm cho nhiều người nhất nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, bao gồm cả việc giảm số thuốc cho mỗi liều hoặc kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai. Tại Anh, các nhà quản lý đã quy định các liều có thể được tiêm cách nhau 12 tuần, trong khi Pháp đã đề xuất tăng gấp đôi thời gian nghỉ giữa hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19, từ 3 tuần lên 6 tuần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng này cho biết mọi người có thể tiêm hai liều vaccine của Pfizer và BioNTech trong 21-28 ngày. Về phần mình, các nhà sản xuất vaccine cảnh báo rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine của họ sẽ tiếp tục bảo vệ được con người nếu liều thứ hai không được tiêm bổ sung sau 21 ngày./.