Mỹ-Pháp: Đồng minh gay gắt với nhau sau thương vụ "lật kèo" tàu ngầm
VOV.VN - Phản ứng sau động thái của Pháp, Nhà Trắng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
Hôm qua, trong một động thái hiếm hoi, Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ, Australia và Anh đạt thỏa thuận hợp tác quốc phòng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong đó có việc Mỹ sẽ giúp Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khiến Pháp mất đi hợp đồng tàu ngầm với Australia. Vụ việc mà bị Pháp gọi là “đâm lén sau lưng này” đang khiến mối quan hệ đồng minh giữa Pháp và Mỹ đứng trước thử thách mới.
Phản ứng sau động thái của Pháp, Nhà Trắng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tìm cách giảm bớt rạn nứt giữa Mỹ và Pháp. Ông nói rằng Mỹ hoan nghênh "các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương"
"Pháp nói riêng là một đối tác quan trọng về vấn đề này và rất nhiều vấn đề khác từ nhiều thế hệ trước. Chúng tôi hợp tác vô cùng chặt chẽ với Pháp về nhiều ưu tiên chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng xa hơn nữa, trên toàn thế giới. Chúng tôi đặt giá trị cơ bản lên mối quan hệ đối tác đó và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong những ngày tới. "
Nhà Trắng đưa ra tuyên bố sau khi Ngoại trưởng Pháp Le Drian cùng ngày thông báo nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc Australia từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ đô la để chuyển sang các tàu của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Le Drian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra quyết định hiếm hoi trên do “tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố được Australia và Mỹ đưa ra hôm 15/9"
"Việc từ bỏ dự án tàu ngầm lớp đại dương mà Australia và Pháp đã thực hiện từ năm 2016 và việc công bố quan hệ đối tác mới với Mỹ nhằm nghiên cứu khả năng hợp tác trong tương lai về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là hành động không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và các đối tác, nó ảnh hưởng đến khái niệm mà chúng ta có về liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu".
Rất hiếm khi đại sứ được triệu hồi từ các quốc gia đồng minh thân thiết. Đây là tín hiệu cho thấy sự tức giận của Chính phủ Pháp. Đầu tuần này, chính phủ Pháp nói rằng, họ cảm thấy "bị phản bội" khi Australia hủy thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm truyền thống với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.Việc tuột mất thỏa thuận này có thể tác động mạnh đến ngành sản xuất quốc phòng của Pháp, ngoài ra nó có thể khiến Pháp thua thiệt về mặt chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà họ có những lợi ích quan trọng.
Ngay cả trước việc triệu hồi đại sứ, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy hiệp ước quan hệ đối tác 3 bên giữa Australia, Anh, Mỹ gọi tắt là Aukus có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao với những tác động sâu rộng. Sau thông báo, Pháp đã hủy một buổi dạ tiệc tại đại sứ quán ở Washington để kỷ niệm liên minh Mỹ - Pháp, trong khi một thành viên Pháp của Nghị viện châu Âu đe dọa sẽ hoãn một thỏa thuận thương mại tự do Liên minh châu Âu - Australia./.