Mỹ và các nước vùng Vịnh phối hợp giải quyết các vấn đề khu vực
VOV.VN - Hôm qua (8/6), Mỹ và các nước Arab vùng Vịnh (GCC) đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực nhằm giảm leo thang trong khu vực.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước vùng Vịnh và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung nhằm giảm leo thang trong khu vực, đồng thời ca ngợi quyết định nối lại quan hệ ngoại giao của Saudi Arabia và Iran.
Tuyên bố chung đã khẳng định lại sự ủng hộ đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và nhắc lại lời kêu gọi đối với Iran về sự hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Về vấn đề Syria, các bên khẳng định cam kết đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng theo cách bảo vệ sự thống nhất và chủ quyền của Syria. Liên quan tình hình tại Sudan, tuyên bố chung Mỹ-vùng Vịnh cho rằng, không có giải pháp quân sự để chấm dứt cuộc xung đột tại nước này. Đối với vấn đề Yemen, các bên bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với sự tham gia của người đồng cấp Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh cần phải tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và vùng Vịnh, bởi mối quan hệ này có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định của khu vực và thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Washington sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa của Israel trong khu vực. Ngược lại, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Faisal bin Farhan nhấn mạnh rằng, việc bình thường hóa mà không có hòa bình cho người Palestine, sẽ chỉ mang lại lợi ích hạn chế.
Liên quan cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ và Saudi Arabia bày tỏ sự nhất trí cần tiếp tục cắt đứt các nguồn tài trợ cho tổ chức khủng bố IS. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, IS đã hứng chịu những tổn thất nặng nề, nhưng vẫn là mối đe dọa và đang chuyển sang các khu vực khác, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào các khu vực mà tổ chức này có thể hoạt động, đặc biệt là châu Phi./.