TPHCM yêu cầu chợ truyền thống phải có lối vào và lối ra riêng

TPHCM yêu cầu chợ truyền thống phải có lối vào và lối ra riêng

VOV.VN -TPHCM yêu cầu các quận, huyện và Sở Công thương cần lên các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở các chợ truyền thống.

Tại buổi giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TPHCM diễn ra chiều 20/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM chỉ đạo các ngành chức năng cần làm nghiêm khâu đảm bảo an toàn ở các chợ truyền thống và cần lên phương án tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam vừa đảm bảo an toàn dịch nhưng cũng phải thể hiện tấm lòng của đồng bào TP.

hcm1_vov_gqsz.jpg
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân.

Tại buổi giao ban, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, hiện nay một số chợ trên địa bàn còn đông người nên các ngành chức năng cần phải hướng dẫn, kiểm soát để đảm bảo an toàn chống dịch.

Sở Y tế cần kiểm tra, tầm soát người ngoại tỉnh đến TP bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ, có phương án đảm bảo tầm soát công nhân trong các khu công nghiệp. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới TP sẽ đón người Việt Nam ở nước ngoài về nên phải có phương án cụ thể, bám sát các bộ ngành, chủ động đưa người đi cách ly.

Các sở, ngành cố gắng xây dựng bộ tiêu chí an toàn, ban hành trước ngày 30/4, để từng trường học, siêu thị, từng cơ quan, tổ chức…tự sắp xếp và xây dựng quy chế ứng xử. Làm sao để sang tháng 5/2020 là TP vận dụng các tiêu chí an toàn rộng rãi, cùng cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện dần dần đầy đủ các hoạt động trong đời sống kinh tế, đảm bảo an toàn dịch.

hcm2_vov_rand.jpg
PCT UBND TP Lê Thanh Liêm.

Đồng thời, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo UBND TP cần phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ để có phương thức phù hợp cho kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020).

“An toàn dịch nhưng phải thể hiện tấm lòng của đồng bào TP với sự hy sinh của các chiến sỹ, các anh hùng liệt sỹ liệt sỹ một cách sâu sắc...Đây cũng là dịp đánh dấu TP cùng cả nước chuyển giai đoạn mới của việc phòng chống dịch. Chúng ta xây dựng một nếp sống mới, quy trình công tác mới ở các cơ quan để khôi phục nhanh nhất các hoạt động đời sống xã hội với điều kiện đảm bảo an toàn dịch”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết hiện TP đã thực hiện tốt bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong doanh nghiệp từ đầu tháng 4/2020 và cần đánh giá để thực hiện các bước tiếp theo.

Về các bộ tiêu chí an toàn, Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Du lịch đã có dự thảo với thang điểm 100 cho 10 tiêu chí, đề nghị Sở Y tế xem xét, đánh giá sớm để đưa vào áp dụng… Các sở, ngành khác cũng cần hoàn thành sớm để Sở Y tế thẩm định trước ngày 25/4.

hcm3_vov_asvq.jpg
Các chợ truyền thống phải có lối vào và lối ra riêng biệt.

Đặc biệt, ông Lê Thanh Liêm đề nghị các quận, huyện và Sở Công thương cần lên các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở các chợ truyền thống.

“Chợ trước giờ cổng nào vào cũng được, ra cũng được. Đây cũng là dịp để chấn chỉnh lại cổng nào vào, cổng nào ra. Cái này trong ban hành tiêu chí an toàn toàn của ngành công thương, có tiêu chí an toàn về chợ cần phải tính toán cái này để ban hành thực hiện cho tốt trong thời gian tới”, ông Liêm nói.

Về vấn đề này, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra chiều nay (20/4), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ trí lực lượng chức năng túc trực tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối (từ lúc bắt đầu họp chợ đến khi tan chợ) để kiểm tra việc giãn cách xã hội, xử phạt và từ chối cho vào chợ nếu người dân không mang khẩu trang.

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tại TPHCM hiện chỉ còn 3 ca điều trị, trong đó có 1 ca nặng là Bệnh nhân 91 (hiện vẫn còn thở máy, chức năng phổi cải thiện, ổn định, không sốt). Có 1 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả, 71 trường hợp đang cách ly tập trung.

Hiện nay TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giám sát các cửa ngõ, đã xét nghiệm tầm soát 1.500 – 2.000 trường hợp đến TPHCM tại sân bay và nhà ga mỗi ngày, đã xét nghiệm 7.000 công nhân ở các khu lưu trú và đang tiếp tục xét nghiệm 3.000 công nhân nữa.

Việc đánh giá theo bộ chỉ số rủi ro tại doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục, TP cũng tái sắp xếp các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới, đón người Việt Nam ở nước ngoài về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên