Nga giữ lập trường cứng rắn về 5 vùng lãnh thổ đã sáp nhập
VOV.VN - Bất chấp đề xuất ngừng bắn từ phía Mỹ, Moscow tái khẳng định lập trường cứng rắn: các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga là “không thể đem ra thương lượng”.
Bloomberg đưa tin, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, trong đó đề xuất dừng giao tranh dọc các chiến tuyến hiện tại. Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, ông Putin vẫn giữ lập trường cứng rắn trong suốt cuộc đối thoại kéo dài.

Ông Witkoff, nhân vật được xem là đóng vai trò chủ chốt trong việc khởi động các cuộc đàm phán về xung đột Ukraine, đã có nhiều vòng trao đổi với các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm ít nhất 3 cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin. Cuộc gặp gần đây nhất là hôm 25/4.
Các nguồn tin của Bloomberg ngày 29/4 cho biết, ông Putin tái khẳng định lập trường rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình khả thi nào cũng phải bao gồm việc công nhận chính thức 4 vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu ý dân năm 2022.
Moscow từ lâu khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng quy chế của Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, cùng với 4 vùng lãnh thổ khác là vấn đề không thể đem ra thương lượng. Điện Kremlin coi việc công nhận “thực tế trên thực địa” là điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình lâu dài.
Trước đó, theo Axios, giới chức Mỹ đã trình bày với Ukraine một đề xuất được Tổng thống Donald Trump mô tả là “lời đề nghị cuối cùng” nhằm chấm dứt xung đột. Theo kế hoạch này, Mỹ được cho là sẵn sàng công nhận “trên danh nghĩa pháp lý” rằng Crimea thuộc về Nga, đồng thời thừa nhận quyền kiểm soát “trên thực tế” của Moscow đối với các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó tuyên bố Kiev “không bao giờ công nhận Crimea là của Nga”. Điều này khiến ông Trump cảnh báo rằng Ukraine có thể “mất toàn bộ đất nước” nếu tiếp tục trì hoãn đàm phán với Nga.
Nhân dịp tham dự lễ tang Giáo hoàng Francis tại Vatican vào cuối tuần trước, ông Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống Zelensky. Khi được các phóng viên hỏi liệu nhà lãnh đạo Ukraine có sẵn sàng “từ bỏ” bán đảo Crimea hay không, ông Trump trả lời: “Tôi nghĩ là có”.
Một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg rằng tiến trình đàm phán hiện đã rơi vào bế tắc và khả năng đạt được tiến triển thực sự sẽ cần phải có cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa ông Putin và ông Trump.
Trước đó vào tháng 3, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ, trong đó nhất trí cam kết theo đuổi “một nền hòa bình bền vững” thay vì giải pháp tạm thời. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và ông Trump “sẽ diễn ra”, nhưng “vào thời điểm thích hợp”.