Nga-Mỹ “kỵ” nhau về vụ Snowden
(VOV) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiếp tục gây áp lực đối với các nước, đặc biệt là Nga để dẫn độ Snowden.
Trước những cảnh báo rằng, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden hiện nắm giữ những thông tin nguy hiểm và nếu bị tiết lộ, có thể sẽ trở thành "cơn ác mộng tệ hại nhất" đối với Chính phủ Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiếp tục gây áp lực đối với các nước, đặc biệt là Nga để bắt giữ và dẫn độ Snowden.
Phóng viên tờ “Người bảo vệ” của Anh Glenn Greenwald cảnh báo rằng, chính phủ Mỹ cần thận trọng trong vụ truy bắt cựu chuyên gia phân tích CIA này.
Glenn Greenwald người đầu tiên công bố các tài liệu do Snowden tiết lộ, cho biết: “Snowden có trong tay đủ những thông tin có thể làm tổn hại Chính phủ Mỹ hơn bất kỳ người nào khác đã từng có. Chính phủ Mỹ hãy thận trọng vì nếu có gì xảy ra đối với ông Snowden thì tất cả các thông tin nghiêm trọng này sẽ được công bố và đó sẽ là một cơn ác mộng tệ hại nhất".
Trước đó, nước Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước liên quan đến tiết lộ của cựu nhân viên CIA này về chương trình giám sát của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Chính vì vậy, chính quyền Mỹ đang gây áp lực đối với các nước để bắt giữ và dẫn độ Snowden.
Trong cuộc họp với các nhóm nhân quyền tại Nga ngày 13/7 Snowden cho biết sẽ tìm kiếm xin tị nạn tại Nga, ít nhất là một giải pháp tạm thời trước khi tới một nước Mỹ Latinh. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carner ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Nga: "Việc cung cấp cho ông Snowden một diễn đàn tuyên truyền là đi ngược lại các tuyên bố trước đây của Chính phủ Nga về tính trung lập của Nga. Nó cũng mâu thuẫn với các cam kết của Nga rằng họ không muốn Snowden làm tổn hại thêm các lợi ích của Mỹ".
Trong kho đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 13/7 cũng khẳng định, chính quyền Nga không tiếp xúc với Snowden và nếu cựu nhân viên an ninh này muốn xin tị nạn tại Nga phải chấp hành các thủ tục cơ bản.
“Chúng tôi không tiếp xúc với Snowden và cuộc nói chuyện với các nhóm nhân quyền được thông báo trực tiếp rộng rãi đến truyền thông. Để đạt được quyền tị nạn chính trị theo luật của Nga thì Snowden phải thông qua một số bước cụ thể . Bước đầu tiên đó là đưa ra các lời đề nghị chính thức tại Cục Di trú liên bang”. Ông Lavrov nhấn mạnh.
Hiện chưa rõ Nga có chấp nhận đơn tị nạn của Snowden hay không nhưng vụ việc này tiếp tục đào sâu thêm khoảng cách giữa hai siêu cường của thế giới bên cạnh một loạt các bất đồng trong thời gian gần đây như cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, tình hình hạt nhân Iran…. Điều này cũng báo hiệu những sóng gió mới trên con đường “tái khởi động” mối quan hệ với Nga của chính quyền Tổng thống Obama./.