Nga sẽ làm gì sau khi giành lại "con bài mặc cả" Kursk từ tay Ukraine?
VOV.VN - Theo giới quan sát, sau khi giành lại Kursk, Nga có thể sẽ thiết lập một vùng đệm "ở phía bên kia biên giới" thông qua các cuộc tiến công vào Sumy của Ukraine.
Trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 26/4, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho biết lực lượng nước này "đã hoàn tất chiến dịch giải phóng tỉnh Kursk", giành lại ngôi làng cuối cùng do Ukraine kiểm soát và đẩy lùi toàn bộ các đơn vị đối phương về bên kia biên giới. Tổng thống Putin sau đó khẳng định "cuộc phiêu lưu quân sự của Ukraine đã thất bại", cho rằng Kiev phải gánh chịu nhiều tổn thất to lớn, trong đó có thiệt hại với các đơn vị được huấn luyện tốt nhất và trang bị vũ khí phương Tây.
Tuy nhiên, phía Kiev đã lập tức bác bỏ thông tin này, cho rằng tuyên bố của Nga là “không đúng với thực tế”.

Theo nhà quan sát quân sự Sergey Poletaev, bất kể các tuyên bố từ hai phía, từ sự kiện Nga giành quyền kiểm soát Sudzha hồi tháng 3/2025 đến thông báo mới đây về việc đẩy lui hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi khu vực Kursk, chiến lược của Kiev ít nhiều đã bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng. Ông Poletaev nhận định: "Việc mất Sudzha (thuộc tỉnh Kursk) nhanh chóng và bất ngờ là một thất bại nặng nề đối với Lực lượng vũ trang Ukraine và là một thất bại theo kiểu hoàn toàn mới. Mặt trận của họ chưa từng sụp đổ ở quy mô lớn như vậy, ngay cả trong tháng 2/2022, thời điểm mà thực chất vẫn chưa hình thành các tuyến phòng thủ cố định".
Nhà quan sát này cũng nhận định rằng, trong trường hợp giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Kursk, Nga sẽ có cơ hội thiết lập một vùng đệm "ở phía bên kia biên giới" thông qua việc tiếp cận Sumy. Các hoạt động ở Kharkov, nơi Nga đã tiến sâu 10-12 km vào các khu vực có cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm ngăn chặn các đội hình lớn của Ukraine tiếp cận biên giới, có thể là dấu hiệu cho những bước tiếp theo trong chiến lược của Nga tại Sumy.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) xác nhận rằng quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát các ngôi làng Novenke, Basivka, Zhuravka và Veselivka, tất cả đều nằm ở khu vực đông bắc tỉnh Sumy. Theo các nhà phân tích, tính đến ngày 26/4, lực lượng Nga đã chiếm được khoảng 54 km² lãnh thổ tại tỉnh này.
Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 9/4, xác nhận rằng quân Nga đã chính thức bắt đầu các chiến dịch tấn công theo các hướng trên. Bộ Tổng tham mưu Ukraine sau đó làm rõ rằng tuyên bố của ông Syrskyi chỉ phản ánh tình hình thực tế, "không phải là lý do để hoảng loạn hay phóng đại".
Ngày 17/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã tập trung khoảng 60.000 binh sĩ tại hướng Sumy, song vẫn chưa đủ lực lượng để phát động một cuộc tấn công tổng lực. Bốn ngày sau, trong chuyến thăm tới tỉnh Sumy, Tướng Syrskyi thông báo rằng giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn cả ở Sumy và tại tỉnh Kursk bên kia biên giới Nga, nơi quân đội Nga đang nỗ lực đẩy lùi các đơn vị Ukraine và mở rộng quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực biên giới.
Còn theo nhà quan sát chính trị Evgeny Mikhailov, nếu khu vực Kursk được giải phóng hoàn toàn thì đây là một "đòn giáng mạnh" đối với Ukraine. Chuyên gia này nhắc lại rằng "canh bạc Kursk" thực chất là một quyết định mang tính chính trị, với mục đích giữ vững lãnh thổ để có thể đàm phán với Nga trong tương lai. Tuy nhiên, Ukraine hiện không chỉ đứng trước nguy cơ mất đi một "lá bài mặc cả" quan trọng mà còn phải đối mặt với nguy cơ từ các lực lượng Nga đang được huy động sang các mặt trận khác.
Ông Mikhailov, cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được hòa bình trong tương lai gần, khi Tổng thống Zelensky vẫn chưa chấp nhận các đề xuất hòa bình từ phía Nga, cũng như phản ứng mạnh trước viễn cảnh Mỹ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Trung tá đã nghỉ hưu Earl Rasmussen, một cố vấn quốc tế kỳ cựu của Mỹ, chia sẻ với Sputnik rằng các điều khoản hòa bình của Ukraine “không thể đảm bảo một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”. Theo ông Rasmussen, kế hoạch của Ukraine là “không tưởng” và thực chất là đang yêu cầu "Nga phải đầu hàng vô điều kiện”. Tới nay, Ukraine vẫn kiên định với yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng đường biên giới trước năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea; gia nhập NATO hoặc bất kỳ liên minh quốc tế nào khác và nhận được những đảm bảo an ninh vững chắc từ Mỹ.