Nga - Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng cho một khởi đầu mới
VOV.VN - Chuyến thăm Nga của ông Erdogan có thể là thông điệp Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.
Hôm nay (9/8), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du Nga và hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc gặp này được nhận định có tác động mạnh mẽ tình hình khu vực và quan hệ ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sắp có cuộc hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: worldbulletin)
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm qua (8/8) cho biết, ông muốn khôi phục lại quan hệ với Nga và khởi động lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Erdogan nói rằng, chuyến thăm Nga của ông được coi là một cột mốc mới trong quan hệ song phương và “một trang mới” sẽ được mở trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Theo ông, “trang mới” này bao gồm hợp tác văn hóa, kinh tế và quân sự.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực Nga trong việc ngăn chặn bạo lực tiếp diễn ở Syria, đồng thời nhận định tiến trình hòa bình Syria không thể thiếu Nga.
“Nga là đối tác quan trọng nhất trong việc mang lại hòa bình cho Syria. Tôi tin rằng chỉ có quan hệ hợp tác với Nga mới giúp chúng ta giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria”, ông Erdogan nói.
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan được kỳ vọng có thể chấm dứt giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga ở khu vực biên giới Syria hồi tháng 11/2015.
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dần được cải thiện sau khi ông Erdogan gửi thư cho Điện Kremlin, bày tỏ hối tiếc về vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga.
Ngoài ra, cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với Nga.
Học giả Emre Ersen, một chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi Nga là một đối tác quan trọng, đặc biệt là sau âm mưu đảo chính ngày 15/7. Ông Putin là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với ông Erdogan và tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - Chính phủ được bầu một cách dân chủ.
Đây là một điều đáng lưu tâm vì nó xảy ra trong bối cảnh những phản ứng từ đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ là các nước phương Tây và Mỹ lại rất im hơi lặng tiếng”.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung vẫn còn nhiều ràng buộc. Sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ; thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây “hậu thuẫn” các phần tử đảo chính.
Cho đến nay, Mỹ cũng chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, bị cáo buộc đứng sau đảo chính, đang sống lưu vong tại Mỹ bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hai bên.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng quyết định chưa áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên. Nhiều nước Liên minh châu Âu còn muốn chấm dứt đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Dù vậy, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần xoa dịu lo ngại của các nước phương Tây rằng, chuyến thăm Nga của ông Erdogan không phải là dấu hiệu cho thấy quốc gia thành viên NATO này đang quay lưng lại với phương Tây.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Erdogan quyết định thăm Nga vào thời điểm này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác. Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng dự đoán Nga nhiều khả năng vẫn duy trì một số lệnh trừng phạt để duy trì sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai./.