Chính sách ngoại giao của Thái Lan trong quan hệ với các siêu cường
VOV.VN - Thái Lan trước nay vốn rất nổi tiếng với chính sách ngoại giao linh hoạt. Trong lịch sử, chính sách đối ngoại này đã giúp Thái Lan thoát khỏi sự đô hộ của phương Tây.
Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa hai siêu cường Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng toàn diện và quyết liệt hơn trong khu vực, liệu chính sách ngoại giao linh hoạt của Thái Lan có tiếp tục được duy trì và mang lại hiệu quả?
Chính sách ngoại giao linh hoạt của Thái Lan
Trong những năm qua, một bộ phận dư luận tại Thái Lan cho rằng chính sách ngoại giao của Chính phủ Prayut Chanocha theo xu hướng “im lặng” trong các vấn đề khu vực, quốc tế, coi đây là một điểm yếu do chính sách này không tạo ra kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, đa phần giới nghiên cứu quan hệ quốc tế và nhà hoạch định chính sách lại có quan điểm khác, nhận định Thái Lan vẫn đang thực thi chính sách ngoại giao linh hoạt rất hiệu quả, mang lại sự ổn định, vai trò và vị thế lớn hơn cho “xử sở Chùa Vàng” trong quan hệ với các cường quốc cũng như trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, tần suất các chuyến thăm viếng, trao đổi đoàn giữa Thái Lan với Trung Quốc và Mỹ diễn ra khá dày đặc. Trong đó, hai chuyến thăm Thái Lan chỉ cách nhau 1 tuần của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4-5/7) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (9-10/7) thu hút sự chú ý rất lớn từ phía học giả, nhà nghiên cứu và cả người dân Thái Lan.
Không cần phải bình luận quá nhiều, hai chuyến thăm chắc chắn nằm trong nỗ lực của hai siêu cường nhằm củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Lan, cạnh tranh ảnh hưởng, lôi kéo Thái Lan theo quỹ đạo riêng của từng nước.
Vậy làm thế nào để Thái Lan có thể xử lý hài hòa quan hệ với cả hai siêu cường là đối thủ của nhau, nhất là khi có thông tin còn cho biết cả phía Mỹ và Trung Quốc đều muốn đến Thái Lan vào cùng một ngày. Một quan chức cấp cao của Thái Lan đã trả lời rất đơn giản: “Hãy thư giãn và cởi mở, chúng ta có tất cả thời gian mà chúng ta cần. Họ đến đây để tăng cường quan hệ với Thái Lan, không phải để gây chiến”.
Quả thực, sau tuần lễ đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ, giới phân tích quan hệ quốc tế đã rút ra một số nhận định, gọi là “công thức 3R” (Tái hiệu chỉnh - Recalibration, Tái can dự - Re-engagement và Tái củng cố - Reinforcement).
Tái hiệu chỉnh
Theo các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thái Lan, cả Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ đều lên kế hoạch đến Bangkok vào cùng ngày trước khi đến Bali, Indonesia, để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. Phía Thái Lan đã khéo léo đề nghị Ngoại trưởng Mỹ lùi thời gian thăm Thái Lan sau khi đến Indonesia với lý do Quốc hội Thái Lan đang họp toàn thể, và Nội các, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, có thể được triệu tập để trả lời các câu hỏi từ các nghị sĩ. Hơn nữa, cả ông Blinken và ông Vương Nghị đều có kế hoạch gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. Kết quả của cả hai chuyến thăm sau đó đã cho thấy sự khéo léo, linh hoạt của Thái Lan trong việc tái điều chỉnh chính sách ngoại giao trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực nhiều bất ổn.
Có thể thấy sau gần 3 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, mối quan tâm và sự ủng hộ của công chúng đối với an ninh y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ Thái Lan đánh giá lại chính sách đối ngoại của nước này, và kịp thời đưa ra những biện pháp khắc phục những lỗ hổng để mang lại hiệu quả to lớn hơn. Giờ đây, Thái Lan đang hy vọng Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới. Sự tham dự của hai nhà lãnh đạo này sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Thái Lan cũng như sự thành công của Năm APEC 2022 do Thái Lan làm chủ nhà. Đây cũng sẽ là sự thành công của những điều chỉnh theo hướng linh hoạt thích ứng của ngoại giao Thái Lan.
Tái can dự
Sau nhiều năm “lạnh nhạt”, Chính phủ Thái Lan đang chứng kiến những động thái “chấn động” từ phía Mỹ với việc Chính quyền Biden dường như “đột nhiên” nhận ra Thái Lan vẫn là một đồng minh quan trọng trong khu vực mà Mỹ chưa khai thác hết. Vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 190 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023, Mỹ đã tích cực tiến hành các chuyến thăm của các quan chức cấp cao tới Thái Lan, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indopacom) John Aquilino…
Các chuyến thăm đã làm mới sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực cũng rất mới như an ninh mạng, không gian, kỹ thuật số, cũng như ứng phó các mối đe dọa mới xuất hiện. Hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý là Thông cáo chung về quan hệ đối tác và liên minh chiến lược Thái - Mỹ. Văn kiện được Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “là minh chứng cho quan hệ đồng minh thân thiết và tình bạn lâu đời giữa hai nước dựa trên các giá trị và lợi ích chung”.
Về phía Thái Lan, Chính phủ nước này gần đây cũng có nhiều động thái khiến Mỹ hài lòng. Đầu tiên phải kể đến quyết định nhanh chóng của Thái Lan trở thành một trong 14 nước khởi động đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng. Tuy nhiên, quyết định nhận được sự “tán thưởng” từ phía Mỹ là việc dẫn độ không công khai Dmitry Ukrainsky, một hacker nổi tiếng người Nga, sang Mỹ vào ngày 16/6 vừa qua. Dmitry Ukrainsky, bị chính phủ Mỹ truy nã vì tội lừa đảo và rửa tiền, song đã bị xét xử và bỏ tù ở Thái Lan trong suốt 10 năm qua.
Tái củng cố
Với chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, quan hệ Thái Lan và Trung Quốc cũng được củng cố và tăng cường hơn nữa. Hai nước tổ chức các hoạt động kỉ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2022 và đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Trong chuyến thăm, Thái Lan và Trung Quốc nhất trí xây dựng mối quan hệ mà Ngoại trưởng Trung Quốc gọi là “thân thiết như một gia đình”, cùng chia sẻ tương lai ổn định và thịnh vượng chung. Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp phục hồi nền kinh tế thông qua xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản và hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. Ngoài ra, việc Thái Lan và Trung Quốc nhất trí thiết lập một hành lang kinh tế chung cho sự phát triển công nghiệp của Thái Lan, Trung Quốc và Lào là chỉ dấu cho thấy dự án đường sắt cao tốc Trung-Thái đã cơ bản tháo gỡ được các bất đồng, trở ngại. Thái Lan có vẻ sẽ quyết tâm hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Nong Khai-Nakhon Ratchasima vào năm 2029 hoặc sớm hơn.
Một điểm đáng lưu ý và khá thú vị là Thông cáo chung Thái-Trung trong chuyến thăm có nhiều điểm tương đồng với Thông cáo chung Thái-Mỹ. Theo giới phân tích, điều này thể hiện sự khéo léo của Thái Lan với một lý do mà cả Mỹ và Trung Quốc khó phản đối: “hợp tác vì mục tiêu giúp phát triển kinh tế và an ninh của Thái Lan”.
Mỹ thường mô tả Thái Lan là người bạn lớn và lâu đời nhất trong khi Trung Quốc coi mối quan hệ Trung-Thái là quan hệ trong cùng một gia đình. Các quan chức Thái Lan đã nhiều lần thừa nhận rằng việc quản lý mối quan hệ với hai siêu cường này là vô cùng khó khăn vì mối liên hệ văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế của hai nước với Thái Lan.
Do đó, cũng giống như nhiều quốc gia nhỏ khác, Thái Lan đang cố gắng tiếp tục duy trì và điều chỉnh chính sách ngoại giao nhằm tránh bị thiệt hại trực diện do cạnh tranh giữa hai siêu cường gây ra, mặt khác vẫn tận dụng sự hỗ trợ của hai siêu cường phục vụ phát triển kinh tế-xã hội./.