Ngừng bắn “bế tắc” tại miền Nam Gaza, đọ súng liên hoàn nổ ra ở phía Bắc
VOV.VN - Trong lúc các thỏa thuận ngừng bắn vẫn bế tắc trên bàn đàm phán, đặc biệt sau khi Thủ tướng Netanyahu phản đối kế hoạch ngừng bắn dọc hành lang nhân đạo ở Dải Gaza, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng tại mọi mặt trận có quân đội Israel tham chiến.
Chiến sự tại Gaza tiếp tục gây chia rẽ nội bộ chính quyền Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch ngừng bắn dọc theo một trong hành lang viện trợ nhân đạo chính dẫn vào Gaza được quân đội nước này đưa ra hôm 16/6. Hành lang nhân đạo này bắt nguồn từ cửa khẩu Kerem Shalom thuộc biên giới Israel - Gaza, nối dài đến đường Salah al-Din ở phía đông thành phố Rafah và hướng lên phía bắc tiếp giáp vùng ngoại ô Khan Younis.
Theo đề xuất của quân đội Israel, các cuộc giao tranh sẽ tạm dừng trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 16 giờ mỗi ngày.
"Khi Thủ tướng nghe báo cáo về lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 11 giờ, ông đã quay sang thư ký quân sự của mình và nói rõ rằng điều này là không thể chấp nhận được", một quan chức Israel cho biết hôm 16/6.
Đồng tình với Thủ tướng Israel, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, người ủng hộ mục tiêu “xóa sổ Hamas” ở Gaza, cũng mạnh mẽ lên án kế hoạch ngừng bắn chiến thuật và cho rằng bất kỳ ai đưa ra quyết định như vậy đều đáng bị cách chức.
Tuy nhiên, dù kế hoạch ngừng bắn có được thông qua hay không, quân đội Israel cho biết các hoạt động chiến sự vẫn tiếp diễn tại Rafah, chiến trường chính hiện nay ở miền nam Gaza.
Cuộc tranh cãi nảy lửa về kế hoạch đình chiến tạm thời vào cuối tuần qua là xung đột mới nhất nảy sinh trong nội bộ chính quyền Israel, kể từ khi cuộc giao tranh ở Dải Gaza đang bước vào tháng thứ 9. Vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz – một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa ôn hòa, đã tuyên bố rút khỏi liên minh chính trị của ông Netanyahu, sau những nỗ lực không thành công nhằm thuyết phục Thủ tướng Israel chấp nhận ngừng bắn tại khu vực này.
Sự chia rẽ ngày càng lộ rõ vào tuần trước, khi Quốc hội Israel bỏ phiếu thông qua dự luật buộc thanh niên Do Thái theo Chính thống giáo nhập ngũ, giữa lúc người dân không ngừng yêu cầu chính quyền tìm cách giải cứu các con tin còn lại đang bị Hamas bắt giữ. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cùng cựu Tư lệnh Gadi Eisenkot bỏ phiếu chống, cho rằng đạo luật này không còn phù hợp với nhu cầu nhân sự của quân đội; trong khi Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich lại hưởng ứng nhiệt tình,
Hôm 16/6, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi, cũng cho biết nhu cầu tuyển mộ thêm binh sĩ từ cộng đồng Chính thống giáo đang là vấn đề cấp thiết. Cùng ngày tại Rafah, 8 binh sĩ Israel đã thiệt mạng do một cuộc tập kích bất ngờ của Hamas, đánh dấu một trong những vụ việc nguy hiểm nhất mà IDF từng phải đối mặt kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái.
Dỡ bỏ hạn chế nhập ngũ với người theo Do Thái theo Chính thống giáo là vấn đề gây chia rẽ suốt nhiều thập niên ở Israel - quốc gia lấy việc thực hiện nghĩa vụ quân sự làm một trong những nền tảng đảm bảo an ninh. Các đảng tôn giáo trong liên minh đã phản đối mạnh mẽ việc cưỡng bách tòng quân đối với những người theo Chính thống giáo - điều được cho là đi ngược lại với giáo lý của họ. Điều này khiến số đông người Israel phẫn nộ, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội nước này khi cuộc xung đột tại Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tuy các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số đông người Israel ủng hộ mục tiêu tiêu diệt Hamas, vẫn có những cuộc biểu tình lớn nổ ra thường xuyên tại quốc gia Trung Đông này, nhằm chỉ trích chính phủ vì đã không làm nhiều hơn để đưa khoảng 120 con tin vẫn còn bị giam giữ ở Gaza trở về nhà.
Căng thẳng leo thang ở phía Bắc
Kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước, do những bất đồng về vấn đề chủ quyền quốc gia, Israel và Hezbollah đã xảy ra nhiều cuộc đọ súng, nhưng căng thẳng chỉ thực sự bùng lên vào năm 2006 khi Israel tuyên chiến ở miền nam Lebanon sau khi Hezbollah bắt cóc hai binh sĩ Israel. Hơn 1.000 người Lebanon đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đó, chủ yếu là dân thường. Hai năm sau, Hezbollah đã trả lại hài cốt của những người lính bị bắt cóc để đổi lấy việc thả các tù nhân người Lebanon và Palestine trong các nhà tù của Israel, khiến cho xung đột tạm lắng xuống.
Tuy nhiên, vào ngày 8/10 năm ngoái, chỉ một ngày sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, khu vực biên giới phía bắc Isreal lại tiếp tục trở thành chiến trường mới, sau khi Hezbollah nổ súng tấn công các lực lương Tel Aviv Hezbollah cho mục đích của cuộc đối đầu này là nhằm hỗ trợ người Palestine ở Gaza.
Theo số liệu của cơ quan y tế địa phương, kể từ vụ tấn công của Hamas khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, chiến dịch quân sự của Israel đã đẩy con số thương vong của người Palestine vượt mốc 37.000 người, đồng thời phá hủy phần lớn Gaza.
Đến thời điểm hiện tại, làn sóng giao tranh giữa Israel và các tay súng Hezbollah xảy ra ngày một dồn dập vì cái chết của chỉ huy cấp cao Taleb Abdallah tối 11/6. Chỉ 2 ngày sau vụ việc, Hezbollah đã phóng 215 quả tên lửa về phía Israel, đồng thời triển khai "các đội máy bay không người lái mang đầy chất nổ" nhắm vào 3 căn cứ khác của Israel, gây ra nhiềuđám cháy lớn tại khu vực phía bắc của Israel.
Năng lực quân sự của Hezbolla đã tăng lên đáng kể từ thời điểm năm 2006, khi lực lượng này chủ yếu dựa vào tên lửa Katyusha có từ thời Liên Xô. Cuộc xung đột xuyên biên giới đã chứng kiến nhiều loại vũ khí mới được đưa vào sử dụng, bao gồm tên lửa Falaq 2 – phiên bản nâng cấp từ tên lửa Falaq 1 do Iran sản xuất, có tầm bắn xa hơn và mang đầu đạn lớn hơn so với phiên bản tiền nhiệm.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cũng cho biết lực lượng Hezbolla hiện có hơn 100.000 chiến binh và quân dự bị, đồng thời sở hữu 150.000 tên lửa có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel nếu một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra.
Nhiều nhà quan sát nhận định, viễn cảnh chiến tranh mà ông Hassan Nasrallah đề cập tới có nguy cơ trở thành hiện thực.
Ông Amal Saad, giảng viên tại Đại học Cardiff và là chuyên gia nghiên cứu về Hezbollah, cho biết sự leo thang căng thẳng giữa Israel-Hamas trong thời điểm này “khác biệt hoàn toàn so với các cuộc giao tranh nhỏ lẻ kể từ ngày 8/10 năm ngoái”.
Trong chuyến thăm vùng Kiryat Shmona thuộc biên giới Lebanon vào đầu tháng này, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố “sẽ không ngồi yên khi Israel bị thương tổn, đồng thời khẳng định sẽ “làm mọi thứ để khôi phục lại nền an ninh phía Bắc”. Ngay sau đó, ông Naim Qassem, Thủ lĩnh thứ hai của Hezbollah cũng nhanh chóng đáp trả, lực lượng này “đã sẵn sàng nghênh đón mọi cuộc tấn công”, kể cả một chiến tranh toàn diện với Israel.