Người Hồi giáo trên khắp thế giới bước vào tháng ăn chay Ramadan
VOV.VN -Trong suốt một tháng lễ Ramadan, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định không ăn uống, giữ gìn cơ thể thanh tịnh.
Ngày 29/6, khoảng 1,3 tỷ người Hồi giáo trên thế giới bắt đầu bước vào tháng ăn chay linh thiêng Ramadan. Trong bối cảnh, nhiều khu vực trên thế giới đang chứng kiến những bất ổn về an ninh, xung đột, chiến tranh và nghèo đói thì người dân theo đạo Hồi trên khắp thế giới lại cùng nhau cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong suốt một tháng lễ Ramadan, tất cả các tín đồ đạo Hồi (trừ người già, trẻ em, người ốm và những người làm công việc đặc biệt) đều thực hiện nghiêm túc quy định không ăn, không uống, giữ gìn cơ thể thanh tịnh từ lúc Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn. Họ chỉ ăn sau khi Mặt trời lặn với một bữa ăn tối gọi là Iftar. Thời gian này, người Hồi giáo được khuyến khích đọc kinh Koran và kết nối tâm linh với Chúa qua việc cầu nguyện. Qua đó, rèn luyện cho họ đức tính khiêm tốn, lòng kiên nhẫn, đức hy sinh, tiết chế bản thân tránh mọi cám dỗ vật chất.
Người dân chuẩn bị cho Tháng lễ Ramadan
Theo lịch Hồi giáo, một năm chỉ có khoảng 354 ngày, ngắn hơn Dương lịch nên các ngày lễ linh thiêng của Hồi giáo được kỷ niệm vào các ngày cố định theo Hồi lịch thì vẫn xê dịch khác nhau khi chiếu theo Dương lịch.
Tại Indonesia, cộng đồng Hồi giáo chiếm tới hơn 86% trong tổng dân số trên 240 triệu người, bắt đầu bước vào tháng lễ ăn chay từ hôm nay (29/6). Đêm trước đó, người dân quốc gia Vạn đảo này đã tập trung tại các nhà thờ để đọc kinh và tham gia buổi cầu nguyện đặc biệt được gọi là Tarawil. Sở Du lịch và Văn hóa thành phố Jakarta theo thông lệ yêu cầu tất cả các nơi vui chơi giải trí như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quảng cáo tạm thời ngừng hoạt động để tôn trọng và bảo vệ sự thiêng liêng của tháng lễ Ramadan.
Ông Rian Feruli, tín đồ Hồi giáo cho biết: “Trong Tháng lễ ăn chay chúng tôi cảm thấy gần hơn với đấng Thượng đế. Mọi tâm tư của chúng tôi, Người đều nghe thấy và luôn dẫn đường chỉ lối cho chúng tôi”.
Người dân khác bày tỏ: "Ramadan là dịp quan trọng để tôi dạy cho con trai của mình trở thành một người Hồi giáo mộ đạo và luôn có đức tin”.
Tại Malaysia, nhân dịp Tháng lễ Ramadan, Thủ tướng Malaysia Najib bin Abdul Razak kêu goi tất cả người dân không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ tôn giáo thể hiện tình đoàn kết và làm những việc tốt. Ông hy vọng Ramadan sẽ là chất xúc tác cho sự đoàn kết và thịnh vượng để tiếp tục sứ mệnh hợp hợp quốc gia..
Đối với, người dân Hồi giáo ở Jerusalem, tháng lễ Ramadan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Palestine và Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ nhiều tuần qua, quân đội Israel ráo riết chiến dịch lùng sục, đàn áp khắp khu Bờ Tây để tìm kiếm 3 thiếu niên nước này mất tích. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, người dân ở đây vẫn tấp nập chuẩn bị đầy đủ cho Lễ Ramadan như mua sắm quần áo đi nhà thờ, đồ ăn chay và trang trí đèn lồng cho ngôi nhà của mình.
Anh Adel Idris, một cư dân thành phố Hebron chia sẻ: “Ramadan là thời gian người Hồi giáo thể hiện sự kiên nhẫn và tiết chế bản thân. Chúng tôi biết rằng, quân đội Israel đang cố tình làm phiền chúng tôi, ảnh hưởng xấu đến tinh thần Ramadan của chúng tôi. Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn của chúng tôi không có nghĩa à chúng tôi không quan tâm đến những gì Israel đang làm. Nếu Israel vẫn tiếp những hành động xâm lược như vậy, tôi tin rằng Đức Chúa trời sẽ bảo vệ chúng tôi”.
Đón thánh lễ Ramadan năm nay, người Hồi giáo tại Ai Cập dường như tạm quên đi những nỗi lo về bất ổn chính trị và kinh tế, kể từ khi nước này có nhà lãnh đạo mới. Tân Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã cam kết sẽ mang lại an ninh và no ấm cho người dân Ai Cập. Vì thế, người dân xứ sở của các Pharaoh năm nay đón Lễ Ramadan với tinh thần lạc quan và phấn khích.
Trong khi đó, những ngày trước Tháng lễ Ramadan, người theo đạo Hồi ở Pakistan đã đổ xô đi mua sắm để tích trữ lương thực, thực phẩm. Họ lo sợ rằng, bạo lực hoành hành trong nước sẽ khiến lạm phát và giá cả leo thang.
Anh Hus-sa-in, một cư dân thành phố Karachi cho biết:“ Tôi thực sự lo lắng cho những người không có đủ nguồn thực phẩm tích trữ do giá cả leo thang vùn vụt. Họ sẽ xoay sở ra sao cho con cái họ đặc biệt trong suốt tháng lễ Ramadan khi mà nhu cầu của người dân ngày một tăng lên. Biết rằng, có những tín đồ có thể sống bằng niềm tin tôn giáo song họ vẫn phải nuôi sống gia đình họ chứ”.
Trước tình trạng thiếu khí đốt, điện kinh niên và mức lương thấp, cùng với đó là tình trạng tội phạm và sự hoành hành của Taliban, người dân Pakistan chào đón Lễ Ramadan năm nay với tâm lý bất an và hoang mang.
Để trấn an người dân, chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif đã chi ra 2 tỷ rupee cứu trợ thông qua các cửa hàng tiện ích trên toàn quốc từ ngày 23/6 đến ngày cuối cùng của tháng Lễ Ramadan. Hơn 1.500 mặt hàng thực phẩm trong đó bao gồm các mặt hàng thiết yếu như bột mì, đường, đậu lăng, nước giải khát, sữa, gia vị nằm trong diện giảm và bình ổn giá.
Dẫu cuộc sống có thay đổi, xoay vần thế nào thì người Hồi giáo trên khắp thế giới dường như vẫn tồn tại đức tin rằng, những lời cầu nguyện cho một cuộc sống no ấm và bình yên trong tháng lễ Thánh Ramadan hàng năm sẽ được Chúa Trời đáp lại. Và để thể hiện niềm tin đó, sau khi tháng lễ ăn chay linh thiêng kết thúc, người theo đạo Hồi trên khắp thế giới laị tưng bừng tổ chức lễ hội Eid al-Fitr sẽ diễn ra vào ngày 28/7 tới./.