Nhật Bản chính thức ra mắt Trung tâm Chỉ huy mạng Quốc gia
VOV.VN - Sáng 1/7, Trung tâm Chỉ huy mạng Quốc gia Nhật Bản đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là cơ quan chỉ huy của chiến lược “phòng thủ mạng chủ động” của Nhật Bản nhằm sẵn sàng ngăn chặn và vô hiệu hóa các cuộc tấn công mạng trước khi chúng xảy ra.
Trung tâm được đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nhật Bản, người chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối liên bộ ngành, với sự tham gia của toàn bộ các bộ trưởng nội các, như ngoại giao, quốc phòng, tài chính... Những người này sẽ là thành viên của Ban Chỉ đạo cấp cao về an ninh mạng.

Phát biểu tại lễ ra mắt sáng nay, Thủ tướng Ishiba Shigeru nhấn mạnh: “Hiện nay, các mối đe dọa mạng đang có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến an toàn người dân, sự công bằng trong hoạt động kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Do đó, việc nâng cao năng lực ứng phó là nhiệm vụ cấp bách của đất nước”.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng kêu gọi các thành viên Trung tâm tăng cường rèn luyện chuyên môn, nâng cao ý thức trách nhiệm và làm việc tận tâm vì lợi ích quốc gia và người dân. Ông đồng thời cảnh báo về một thực tế đáng lo ngại: trung bình cứ 13 giây lại có một vụ tấn công mạng nhằm vào các thiết bị tại Nhật Bản – bao gồm cả máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp tại Trụ sở Chiến lược An ninh mạng quốc gia với sự tham dự của toàn thể nội các, Thủ tướng Ishiba đã yêu cầu các bộ trưởng liên quan xây dựng một chiến lược an ninh mạng mới, trình vào cuối năm nay. Ông nhấn mạnh cần kiên trì thiết lập các định hướng nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp đã được quy định trong Luật “Phòng thủ mạng chủ động” – đạo luật vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua ngày 16/5 và dự kiến sẽ có hiệu lực đầy đủ từ năm 2027.
Theo giới phân tích, việc thành lập Trung tâm Chỉ huy mạng Quốc gia được xem là bước tái cơ cấu từ Trung tâm Quốc gia về Ứng phó sự cố và Chiến lược An ninh mạng (NISC). Trung tâm mới sẽ đảm nhận vai trò điều phối tổng thể trong việc triển khai các biện pháp ứng phó, như: hỗ trợ Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Phòng vệ truy cập, vô hiệu hóa các máy chủ là nguồn phát tán tấn công; ký kết các thỏa thuận giữa chính phủ với doanh nghiệp vận hành hạ tầng trọng yếu, nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin phục vụ theo dõi, ngăn ngừa tấn công mạng ngay từ sớm.