Nhiều hoạt động tưởng niệm 15 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương
VOV.VN - Người dân ven biển Ấn Độ Dương bắt đầu các hoạt động tưởng niệm 15 năm ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần.
Những ngày này, người dân ven biển Ấn Độ Dương bắt đầu các hoạt động tưởng niệm 15 năm ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần, khiến hàng trăm nghìn người chết. Nhiều hoạt động thiết thực như chia sẻ kinh nghiệm thoát hiểm, các giải pháp cảnh báo sớm sóng thần cũng được tuyên truyền rộng rãi.
Thành phố Meulaboh ở tỉnh Aceh ngập trong nước sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2004. Ảnh: ABC |
Tỉnh Bắc Aceh của Indonesia là 1 trong những địa bàn chịu thiệt hại lớn nhất với 128.858 người chết. Nhiều người khi đó mất mạng là do có ít thông tin về sơ sán trong trường hợp xảy ra sóng thần. Một số người may mắn sống sót đã tích cực tổ chức các buổi nói chuyện, hướng dẫn cho trẻ em cách thoát hiểm khi có dấu hiệu xảy ra sóng thần.
Một trong số đó là chị Armilla Yanti, 44 tuổi thoát chết vào ngày định mệnh 26/12/2004 và hiện làm hướng dẫn viên bảo tàng sóng thần cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn khách tham quan thông qua câu chuyện của chúng tôi, về những gì chúng tôi đã trải nghiệm. Vì tôi từng trải qua chấn thương sóng thần, khi tôi gặp khác tham quan, tôi chia sẻ kinh nghiệm và cả những chấn thương tâm lý để họ không bao giờ quên rằng, đã có một thảm họa sóng thần khủng khiếp diễn ra ở Ache vào ngày 26/12".
Một cụ bà 70 tuổi bán quà kỷ niệm cho khách du lịch gần nơi 1 tàn tích của sóng thần 2004 cũng chia sẻ: “Tôi luôn nói với các thế hệ trẻ nếu bạn sống gần bờ biển như chúng tôi, và nếu có động đất mạnh thì nên dừng mọi công việc, chạy đến nơi cao hơn vì có thể không còn thời gian. Trước đây, nhiều người đã không chạy đi bởi họ không có kiến thức”.
Các quan chức địa phương ở Aceh cho biết, họ đã áp dụng nhiều biện pháp giảm nhẹ thiên tai và tiến hành diễn tập để nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Jalaludin, 1 quan chức về nhà ở đô thị và công trình công cộng tại Aceh nói: “Ngày nay, dân cư hiểu biết hơn về động đất, sóng thần và rằng, động đất có thể phát sinh sóng thần. Về công tác tuyên truyền, tại mỗi ngôi làng chúng tôi giữ lại 1 căn nhà từng bị phá hủy do sóng thần như cách để nhắc nhở người dân. Ngôi nhà đó được tân trang bằng tiền tài trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA. Mực nước cũng được đánh dấu để nhắc nhở mọi người”.
Không riêng gì Aceh, trên khắp 28 nước ven Ấn Độ Dương, các chính phủ đã chi hơn 400 triệu USD cho hệ thống cảnh báo sớm, gồm 101 máy đo mực nước biển, 148 địa chấn kế và nhiều phao cứu đắm. Tại Srilanka, quốc gia có 40.000 người chết do sóng thần 2004, các tháp cảnh báo sớm thiên tai được hoàn tất năm 2007 và cơ quan xử lý thiên tai dùng ứng dụng di động để gửi báo động cho cư dân. Các bài kiểm tra được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động tốt.
Tại Thái Lan, các tháp cảnh báo sớm và trung tâm sơ tán sóng thần đã được dựng lên nhưng một số cư dân vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của các cơ sở này.
Chủ tịch Nhóm điều phối liên chính phủ về hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương Srinivasa Tummala cho biết: “Đã có nhiều tiến bộ, tôi nghĩ Ấn Độ Dương đã an toàn trước mối đe dọa sóng thần hơn rất nhiều so với năm 2004. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta cần tiếp tục cải thiện băng lực, bởi những gì chúng ta chứng kiến trong đợt sóng thần gây ra do núi lửa ở eo biển Sunda và Palu cho thấy, vẫn còn nhiều thiếu sót”.
Những mặt tồn tại mà các chuyên gia chỉ ra là tình trạng thiếu phao cứu đắm, các thiết bị phát hiện khác, thiếu chia sẻ dữ liệu và khó khăn trong việc bảo dưỡng các thiết bị, kể cả kém bảo dưỡng ở các trung tâm sơ tán.
Các chuyên gia đang thăm dò các công nghệ mới như ứng dụng di động, triển khai Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) nhằm tăng cường năng lực ứng phó./.
Không có đe dọa sóng thần sau trận động đất 6,8 độ ở Philippines
Động đất mạnh 7,1 richter, Indonesia ban bố cảnh báo sóng thần
Động đất 6,8 độ richter tại Nhật Bản, cảnh báo sóng thần