Nỗ lực cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ
Chỉ còn thiếu 20 ngày nữa là tròn 1 năm ngày Tổng thống Mỹ Bush khởi động nỗ lực nhằm đạt được một hiệp định hoà bình giữa Israel – Palestine, trước khi ông rời khỏi nhiệm sở vào tháng 1/2009.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice một lần nữa lại có mặt tại Trung Đông vào cuối tuần này. Đây có thể coi là nỗ lực cuối cùng của bà Rice đối với vai trò kiến tạo hoà bình Trung Đông của Mỹ. Dư luận khu vực đặt ra câu hỏi liệu bà Rice có thể làm được gì trong những ngày cuối cùng của chính quyền Bush hay chỉ là cố gắng đưa ra cú hích cuối cùng nhằm đặt dấu ấn cho ông Bush vào con tàu hoà bình Trung Đông đang chầm chậm xìch xịch.
Cuối tuần này, tại khu nghỉ mát nổi tiếng Sharm El Sheikh nằm bên bờ biển Đỏ của Ai Cập, Hội nghị nhóm “bộ tứ” về hoà bình Trung Đông được tổ chức nhằm đánh giá 1 năm thực hiện cam kết Annapolis về tiến trình hoà bình Trung Đông, cũng như tiếp tục tìm giải pháp nhằm đem lại một nền hoà bình tích cực và lâu dài cho khu vực này. Hội nghị được tổ chức đúng vào thời điểm Tổng thống Bush, người đề xướng khởi động lại tiến trình hoà bình Trung Đông đang ở vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Trong bối cảnh như vậy, người ta chỉ hy vọng hội nghị có thể đạt được một tiến bộ nhỏ nào đó. Điều này cũng có nghĩa là chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục chèo lái tàu hòa bình Trung Đông.
Ngoại trưởng Rice đã thực hiện rất nhiều chuyến công cán tới khu vực Trung Đông, đặc biệt là từ tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Bush đưa ra mục tiêu đạt được một hiệp định hoà bình cho cuộc xung đột Israel – Palestine vào cuối năm nay. Tuy nhiên, bà C. Rice cũng như các quan chức của chính quyền Mỹ đã cố tránh đưa ra các đề nghị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Thay vào đó, họ chỉ thích đóng vai trò là người hỗ trợ đàm phán giữa hai bên. Chính vì vậy khó đạt được tiến bộ nào trong quá trình đàm phán hoà bình Israel – Palestine. Đấy là chưa kể tới việc đàm phán thì vẫn cứ đàm phàn trong khi người Israel vẫn tiếp tục, thậm chí đẩy mạnh việc xây dựng các khu định cư ở khu Bờ Tây.
Ngay các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận rằng cách thức này không thể làm thay đổi điều gì trong những ngày cuối cùng của chính quyền Bush. Nhưng họ cho rằng bà Rice đang quan tâm tới việc chuẩn bị các bước cần thiết để chính quyền kế tiếp có thể tiếp tục duy trì tiến trình hoà bình mà không cần phải khởi động lại.
Có thể đó là một sự thay đổi so với những gì đã xảy ra vào những ngày cuối của chính quyền B.Clinton. Khi đó thất bại trong việc đưa ra một hiệp định hoà bình của chính quyền này đã để lại những lời chỉ trích nhau gay gắt và một sự gián đoạn lâu dài trong tiến trình đàm phán hoà bình Trung Đông.
Một năm không thể giúp chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài trong 60 năm, nhất là khi giữa Palestine và Isarel vẫn còn những bất đồng sâu sắc về các vấn đề quy chế thành phố Jerusalem, vấn đề hồi hương của người tị nạn, vấn đề đường biên giới của nhà nước Palestine nếu được thành lập trong tương lai.
Nước Mỹ đã có Tổng thống mới của đảng Dân chủ Barak Obama. Vị Tổng thống da mầu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ này sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/01/2009. Người dân Trung Đông, đặc biệt là nhân dân Palestine hy vọng chính quyền mới ở Mỹ sẽ có sự thay đổi tích cực trong chính sách đối với tiến trình đàm phán hoà bình Palestine – Israel.
Tình hình Trung Đông trong 8 năm cầm quyền của chính quyền Bush luôn căng thẳng và nóng bỏng. Không một nỗ lực nào có được kết quả nếu bắt đầu vào giai đoạn cuối của một chặng đường dài. Nếu thực sự muốn đóng góp để mang lại một nền hoà bình công bằng và lâu dài cho khu vực Trung Đông, đúng với vai trò và vị thế của nước Mỹ, chính quyền của ông Obama cần tăng tốc con tàu hoà bình Trung Đông ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình. Và thay vì là người hỗ trợ đàm phán, Mỹ nên có những hành động mang tính quyết định./.