Pakistan lo ngại khả năng tấn công quân sự từ Ấn Độ

Pakistan từng báo động chiến tranh sau vụ tấn công khủng bố tại Mumbai.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, phát biểu với hãng tin BBC ngày 6/12, Đại sứ Pakistan tại London Wajid Hassan cho biết Islamabas lo ngại Ấn Độ đang chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự trả đũa.

Theo ông Hassan, Pakistan có bằng chứng về động thái trên của Ấn Độ và những quan ngại của Islamabas đã được truyền đạt tới các quan chức Mỹ và Anh. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh từ chối phát biểu trên của ông Hassan.
Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã chủ trì một cuộc họp cấp cao ngày 6/12 với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Chaudhry Ahmad Mukhtar, Ngoại trưởng Shah Mehmood Quershi, Tổng tư lệnh quân đội Ashfaq Pervez Kaynai và Giám đốc cơ quan tình báo ISI Ahmad Shuja Pasha. Nội dung cuộc họp không được công bố, song các kênh truyền hình Pakistan cho biết các quan chức tham gia cuộc họp đã xem xét việc chuẩn bị sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Pakistan để đề phòng tình huống chiến tranh.
Cùng ngày, báo "Dawn" của Pakistan đưa tin nước này từng báo động chiến tranh sau khi Tổng thống Dadari nhận được một cú điện thoại mạo danh Ngoại trưởng Ấn Độ đe dọa tiến hành chiến tranh sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai. Thông tin này đã được quan chức ngoại giao Pakistan xác nhận.

Theo báo trên, sau khi vụ tấn công ở Mumbai bắt đầu xảy ra đêm 26/11, một kẻ mạo danh Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee ngày 28/11 đã gọi điện cho Tổng thống Dadari đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu  Pakistan không hành động ngay lập tức đối với các thủ phạm gây ra vụ thảm sát này. Trong 24 giờ sau đó, lực lượng không quân Pakistan đã được đặt trong tình trạng "báo động cao nhất", trong khi quân đội giám sát chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng Ấn Độ hành động quân sự. Kẻ mạo danh trên cũng tìm cách gọi cho Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, song không thành công do các quan chức Mỹ đã kiểm tra chặt chẽ.

Sau cú điện thoại này, giữa Mỹ, Pakistan và Ấn Độ đã có hàng loạt cuộc điện đàm. Bà Rice đã điện cho Ngoại trưởng Ấn Độ để hỏi cụ thể, song ông Mukherjee khẳng định ông không gọi điện cho Tổng thống Pakistan. Ông Mukherjee còn cho biết cuộc thảo luận của ông với Ngoại trưởng Pakistan Quershi cùng ngày 28/11 tại New Dehli diễn ra trong không khí thân mật.
Về phía Pakistan, nước này khẳng định các trợ lý của ông Dadari chỉ chuyển cuộc gọi điện thoại trên cho tổng thống sau khi xác định đó là cuộc gọi từ Vụ các vấn đề đối ngoại Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Song Ấn Độ đã bác bỏ việc này.
Trước nguy cơ căng thẳng leo thang và cộng đồng quốc tế kêu gọi hai bên nỗ lực làm dịu tình hình, Pakistan đã có những động thái tích cực. Pakistan đã chấp nhận yêu cầu của do Ấn Độ và Mỹ đưa ra, theo đó trong vòng 48 giờ Pakistan lên kế hoạch hành động chống tổ chức khủng bố Lashkar-e-Tayeeba và bắt giữ ít nhất ba phần tử Pakistan mà Ấn Độ cho rằng có dính líu tới vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Mumbai. Tờ “Bưu điện Washington” ngày 6/12 dẫn lời một quan chức Pakistan cấp cao cho biết Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan bắt giữ và trao cho New Dehli thủ lĩnh của nhóm Lashkar-e-Tayeeba Zaki ur-Rehhman và Cựu Giám đốc cơ quan tình báo ISI Hamid Gul.

Tại cuộc gặp đoàn đại biểu thượng nghị sĩ Mỹ thăm Islamabas cùng ngày, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani tuyên bố Pakistan sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ nước này để thực hiện các hoạt động khủng bố. Pakistan cam kết tiếp tục duy trì quan hệ thân thiện với Ấn Độ và lên án vụ tấn công khủng bố Mumbai “một cách mạnh mẽ nhất”.

Cùng ngày, Nga tuyên bố không ủng hộ bất kỳ hành động quân sự nào của Ấn Độ chống Pakistan, kể cả trong trường hợp nước này cho rằng Cơ quan tình báo Pakistan ISI dính líu đến vụ tấn công tại Mumbai.

Đại sứ Nga tại Ấn Độ Vyacheslav Trubnikov nhấn mạnh bất kỳ một hành động nào chống Pakistan cũng cần phải được LHQ chấp thuận. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc ép Pakistan hành động chống khủng bố.
Ông Trubnikov nhấn mạnh rằng cả Ấn Độ và Pakistan đều có tên lửa hạt nhân, do vậy, bất kỳ một bước đi mạo hiểm nào đều có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm và hai bên đều “cần tỉnh táo để khôi phục tiến trình hòa bình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.