Pháp đối mặt ngày “Thứ Ba đen tối” vì tổng đình công toàn quốc chống cải cách hưu trí
VOV.VN - Trong thông báo cập nhật đưa ra ngày 6/3, Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp – SNCF cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị huỷ trong ngày 7/3.
Giao thông trên toàn bộ nước Pháp, đặc biệt là tại các sân bay, bên tàu và ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số cơ sở kinh tế quan trọng bị phong toả... nước Pháp có nguy cơ tê liệt trong ngày 7/3 khi tất cả các liên đoàn tại nước này kêu gọi tổng đình công toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay để phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp.
Trong thông báo cập nhật đưa ra ngày 6/3, Tổng công ty đường sắt quốc gia Pháp – SNCF cho biết, sẽ có khoảng 80% các chuyến tàu cao tốc và liên vùng tại Pháp bị huỷ trong ngày 7/3. Hầu như toàn bộ các chuyến tàu cao tốc nối Pháp với các nước châu Âu láng giềng như Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ không hoạt động. Tại các thành phố lớn của Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, giao thông cũng sẽ đình trệ nghiêm trọng. Hầu hết trong số 14 tuyến đường tàu điện ngầm tại thủ đô Paris sẽ chỉ hoạt động trong vài giờ cao điểm. Với các chuyến tàu từ trung tâm Paris ra các vùng ngoại ô, tỷ lệ hoạt động chỉ khoảng 25%.
Trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, các công đoàn tại Pháp cũng kêu gọi người lao động bãi công, biểu tình, thậm chí phong toả các cơ sở kinh tế quan trọng. Ngay trong tối 6/3, nhiều nhóm biểu tình đã chặn các con đường dẫn đến một số nhà máy lọc dầu, trong khi nông dân nhiều địa phương phong toả các vòng xoay lớn tại các thành phố vừa và nhỏ.
Trong ngày 6/3, ngày kết thúc 2 tuần nghỉ Đông dành cho các học sinh từ tiểu học đến trung học tại Pháp, tổ chức tập hợp các công đoàn lớn nhất tại Pháp ra lời kêu gọi người lao động Pháp ngày 7/3 xuống đường nhiều nhất có thể, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đình công nhất có thể để nước Pháp ngừng hoạt động, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Pháp nhượng bộ trong dự luật cải cách hưu trí. Các con số thăm dò dư luận tại Pháp nhận định, tổng số người biểu tình tại Pháp trong ngày 7/3 có thể sẽ vượt quá 2 triệu người, cao hơn số lượng người biểu tình cao nhất vào hôm 30/01/2023.
Tổng thư ký Công đoàn lao động dân chủ – CFDT, tổ chức công đoàn lớn nhất tại Pháp, ông Laurent Berger khẳng định, chính phủ Pháp và đích thân Tổng thống Emmanuel Macron không thể hy vọng âm thầm thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Quốc hội Pháp mà đã đến phải lúc phải lắng nghe sự phản đối của hàng triệu lao động đang biểu tình và phải đưa ra câu trả lời.
Ông Laurent Berger nói: “Đây không phải là chuyện dự luật cải cách này chưa được giải thích rõ ràng, mà đây là một bất công xã hội, một sự bất bình đẳng, một sự phớt lờ thực tế lao động cụ thể và những người lao động đang bày tỏ tất cả những điều này một cách ôn hoà. Liệu chúng ta có muốn mọi thứ trôi qua âm thầm, như là một sự sắp xếp chính trị, một động thái chính trị được thông qua ở Quốc hội? Không, đây là một phong trào xã hội rộng lớn đang bày tỏ chính kiến và cần phải có một câu trả lời”.
Dự luật cải cách hưu trí được chính phủ Pháp trình lên Quốc hội Pháp tranh luận cách đây gần 1 tháng và hiện đang được xem xét tại Thượng viện, trước khi đưa trở lại bỏ phiếu tại Quốc hội. Mặc dù đa số người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong đó trọng tâm là việc nâng tuổi về hưu lên 64 tuổi, nhưng chính phủ Pháp vẫn hy vọng dự luật này sẽ được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội nhờ sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR). Ngoài ra, chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne cũng không loại trừ khả năng sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp để thông qua dự luật này mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Tuy nhiên, các công đoàn cũng như hầu hết các đảng đối lập tại Pháp, đặc biệt là các đảng cánh tả, khẳng định sẽ phản đối đến cùng dự luật này và sẽ gây sức ép bằng các cuộc biểu tình, tổng đình công liên tiếp để buộc chính phủ Pháp nhượng bộ./.