Pháp nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64
VOV.VN - Độ tuổi về hưu tại Pháp sẽ được nâng từ 62 tuổi hiện nay lên 64 tuổi kể từ năm 2030 và để được hưởng đầy đủ chế độ hưu trí, thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ được nâng lên thành 43 năm kể từ năm 2027.
Đây là hai trong số những nội dung quan trọng trong Dự luật cải cách hệ thống hưu trí mới được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố hôm qua (10/1) nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt của các quỹ hưu trí kéo dài 30 năm qua cũng như trong bối cảnh nước Pháp đối mặt với khó khăn chồng chất.
Sau nhiều tranh cãi và chờ đợi, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 10/1 đã mở đầu bài phát biểu về dự luật cải cách hưu trí mới với nội dung quan trọng nhất là nâng độ tuổi về hưu lên thành 64 tuổi kể từ năm 2030, thay vì 65 tuổi như dự kiến ban đầu.
“Chính phủ đề nghị mọi công dân kéo dài thời gian lao động của mình. Theo đó, kể từ ngày 1/9 tới đây, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần mỗi năm 3 tháng để đạt 64 tuổi vào năm 2030”, bà Elisabeth Borne cho biết.
Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng cho biết, để được hưởng chế độ hưu trí đầy đủ, kể từ năm 2027, công dân Pháp sẽ phải có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 43 năm (tương đương 172 quý) hoặc 44 năm đối với những người lao động trước tuổi 15, nghĩa là đều tăng hơn 2 năm so với quy định hiện nay. Những trường hợp không đủ thâm niên công tác thì sẽ phải làm việc đến năm 67 tuổi.
Dự luật cải cách hưu trí cũng chấm dứt các chế độ nghỉ hưu sớm đối với người lao động trong một số lĩnh vực và tổ chức như ngành đường sắt, điện, khí đốt, Ngân hàng trung ương Pháp hay là thư ký của các công chứng viên và các thành viên của Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường (CESE).
Đổi lại, lương hưu tối thiểu cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên 1.200 euro/tháng, tương đương 85% mức lương tối thiểu (SMIC).
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne giải thích, dự luật cải cách hưu trí mới sẽ giúp hệ thống hưu trí đang thâm hụt khoảng 17 tỷ euro có thể cân bằng trở lại vào năm 2030. Cải cách hệ thống hưu trí được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết tâm thực hiện sau khi lỡ hẹn từ nhiệm kỳ đầu tiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm gánh nặng ngân sách và tránh cho hệ thống hưu trí sụp đổ.
Pháp hiện là một trong những nước châu Âu có độ tuổi về hưu thấp nhất nếu so tuổi về hưu theo luật định ở Đức, Bỉ, Tây Ban Nha là 65 hay ở Đan Mạch là 67. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò đến nay cho thấy hơn hai phần ba người Pháp không chấp nhận nâng tuổi về hưu lên 64 tuổi.
Ngay sau khi dự luật cải cách được công bố, tám nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp đã phát động các cuộc biểu tình và đình công lớn vào ngày 19/1 tới. Lãnh đạo các đảng đối lập cánh tả, cực tả và cực hữu như ông Jean Luc-Mélenchon hay bà Marine Le Pen đồng loạt chỉ trích kế hoạch cải tổ hưu trí của chính phủ là bất công và phi lý.
Dự luật cải cách hưu trí dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội Pháp vào cuối tháng này và không loại trừ khả năng Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thêm một lần nữa phải vận dụng đặc quyền trong điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua./.